Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi hiện nay còn thấp so với mặt bằng mức sống, nhiều người không chờ được 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội...Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau 12 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, các Bộ, ngành và địa phương đã thu được những kết quả quan trọng.
MỨC TRỢ CẤP CHO NGƯỜI CAO TUỔI CÒN THẤP
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thi hành các điều của Luật Người cao tuổi đã được ban hành đồng bộ.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội, gia đình và người cao tuổi về quyền của người cao tuổi, các vấn đề liên quan đến người cao tuổi, công tác người cao tuổi đã được nâng lên.
Các chế độ chính sách, nội dung quy định của Luật như phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí , bảo trợ xã hội, phát huy vai trò, chúc thọ, mừng thọ đã từng bước đi vào cuộc sống.
Người cao tuổi được chăm sóc, phát huy vai trò, bảo đảm quyền và lợi ích một cách tốt hơn.
Đồng thời, các chương trình, đề án về chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương ban hành và tổ chức triển khai đồng bộ, nên đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người cao tuổi đã và đang được cải thiện mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác người cao tuổi ở các địa phương hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Đơn cử như, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi, thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể.
Công tác khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi tại một số địa phương mới chỉ thực hiện đối với người cao tuổi trên 80 tuổi. Đối với đối tượng người cao tuổi còn lại (từ trên 60 tuổi đến 79 tuổi) thực hiện còn hạn chế do khó khăn về nguồn kinh phí bố trí.
Đáng chú ý, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi còn thấp so với mặt bằng mức sống hiện nay, nhiều người không chờ được 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội (trợ cấp hưu trí do ngân sách nhà nước chi trả cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội); mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng chưa được các địa phương quan tâm thực hiện.
Ngoài ra, chính sách lương hưu đối với người cao tuổi về hưu trước năm 1995 chưa hợp lý, phổ biến ở mức 3,2 triệu đồng đến 4,8 triệu đồng, thấp so với những người cùng chức vụ công việc nghỉ hưu sau 1995, những khi điều chỉnh thì tăng đồng loạt theo cùng một tỷ lệ 10%.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, người cao tuổi từng tham gia kháng chiến nghỉ hưu thu nhập cũng rất thấp so với người không tham gia kháng chiến nghỉ hưu, điều này cũng chưa hợp lý.
Vì thế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng báo cáo tổng kết thi hành pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi giai đoạn 2010 - 2023, đề xuất định hướng chiến lược quốc gia về người cao tuổi giai đoạn tới.
GIẢI QUYẾT ĐỒNG BỘ CÁC VẤN ĐỀ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI
Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong giai đoạn tới cần giải quyết đồng bộ các vấn đề về người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm và tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng.Cùng với đó, cần thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi; chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi cả về thể chất, vật chất lẫn tinh thần…
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, đã có 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu. Có ít nhất 95% các tỉnh, thành phố có Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi.
Cả nước có 86% số xã, phường, thị trấn duy trì và hoạt động Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi với tổng số tiền huy động gần 300 tỷ đồng.
Theo báo cáo tình dân số, lao động, việc làm quý 4 và năm 2023 của Tổng cục Thống kê, hiện cơ cấu dân số của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ.
Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023.
Hiện tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện nay thấp hơn 3 quốc gia là: Singapore (83 tuổi), Brunei (78 tuổi), Thái Lan (76 tuổi).
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
|
|