Quả bơ, sơ ri, ổi, táo, cam chứa nhiều vitamin, khoáng chất, với chỉ số đường huyết thấp dưới 55 có lợi cho người bệnh tiểu đường.
Trái cây cung cấp lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Chúng còn thơm ngon, là bữa ăn xế, ăn vặt lành mạnh, bổ dưỡng cho người tiểu đường giúp nâng cao sức khỏe trong thời gian điều trị bệnh. Tuy nhiên, lợi ích của trái cây phụ thuộc vào từng loại và hình thức chế biến.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý một số nguyên tắc ăn trái cây tốt cho sức khỏe như chọn trái tươi, còn nguyên vẹn, không hư hỏng. Không ăn loại đã qua chế biến như trái cây sấy, mứt trái cây, nước ép trái cây vì dễ làm tăng chỉ số đường huyết.
5 loại trái cây quen thuộc dưới đây có chỉ số đường huyết (GI) thấp mà người tiểu đường nên ưu tiên. GI thấp là dưới 55, GI trung bình 56-69, GI cao khoảng 70-100.
Lê tùy theo độ chín mà mức GI dao động 24-33. 150 g lê có 99 calo, 23,1 g carbohydrate, 4,5 g chất xơ và 195 mg kali. Lê có thể ăn một mình hoặc trộn với rau củ làm món salad.
Cam với GI khoảng 43, nằm trong nhóm trái cây có GI thấp. Trái cam mọng nước, giàu vitamin C, vị ngọt thanh được bán ở nhiều nơi và có thể cung cấp trong 4 mùa, tốt cho người tiểu đường. 153 g cam chứa 87 mg vitamin C, 18,2 g carbohydrate, 13,8 g đường...
Ổi được xếp nhóm trái cây có hàm lượng calo thấp nhưng chứa nhiều chất xơ, giàu vitamin C, chống oxy hóa, lutein, beta carotene (tiền chất của vitamin A) và khoáng chất. Ổi được mệnh danh như là trái táo của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
GI của loại này thấp, chỉ 12-24. 165 g ổi chứa 112 calo, 4,2 g protein, 24 g carbohydrate, 51,1 mg vitamin A, 376 mg vitamin C...
Sơ ri được bán phổ biến ở miền Nam, GI thấp khoảng 20, giàu vitamin C, nên có trong thực đơn dinh dưỡng của người tiểu đường. 100 g sơ ri có tới 94 g nước, 32 calo, 16,8 g vitamin C...
Bơ là một trong những nông sản được trồng nhiều ở nước ta với đa dạng loại. Trái bơ chín mềm, vị béo dẻo thơm, giàu chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa.
GI của bơ dưới 40. Một trái cỡ vừa chứa khoảng 240 calo, 13 g carbohydrate, 3 g protein, 22 g chất béo, 10 g chất xơ. Có nhiều cách để thưởng thức bơ như ăn trực tiếp, làm sinh tố bơ (bơ, sữa đặc, đá), bơ dầm, bơ với sữa chua, salad...
Người bệnh tiểu đường không nên kết hợp bơ với đường sữa vì dễ làm tăng GI, có thể dùng bơ với nước cốt chanh để tăng vị giác.
Không chỉ 5 loại kể trên mà còn rất nhiều trái cây nằm trong nhóm GI thấp như táo, thanh long, mận, bưởi, đào, dâu tây, mơ, me.
Bác sĩ Linh lưu ý dù trái cây có GI thấp nhưng người bệnh không nên ăn quá nhiều vì dễ làm tăng đường huyết. Nên sử dụng trái cây có chỉ số đường huyết thấp vào bữa phụ trong ngày để cung cấp năng lượng và cảm giác no cho đến bữa ăn tiếp theo. Cân đối tổng lượng calo mỗi ngày để không vượt quá mức cho phép. Người bệnh có thể chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp kể trên, mỗi ngày ăn lượng nhỏ tương đương một nắm tay.
|
|