Vợ cắt tóc tém, chồng đấm đá túi bụi, lấy dao cạo đầu nham nhở. Khi vừa thấy mái tóc tém của mẹ, bố lao vào nắm tóc, xé quần áo của bà. Cứ vậy, ông đánh vợ tới tấp bất kể rất nhiều người trong xóm kéo nhau đến xem.
"Vợ tao, tao cạo trọc đầu rồi đuổi thẳng"
Chuyện xảy ra hơn chục năm trước. Khi đó, chị Nguyễn Thị Điệp (25 tuổi, hiện sống ở Phú Nhuận, TP. HCM) mới là học sinh cấp 2.
Thật ra việc bố đánh mẹ, hay chuyện chồng đánh vợ ở quê không xa lạ với những đứa trẻ như chị. Nhưng chị Điệp nhớ mãi về trận đòn tối hôm đó, bởi cô gái mới lớn khi đó nghĩ mãi về việc người phụ nữ bị tước quyền với chính thân thể, nhan sắc của mình.
Người vợ ở Đắk Lắk bị chồng dùng kéo cắt tóc, gây thương tích, chảy máu vì... nhuộm tóc. Ảnh: NVCC
Tóc mẹ chị dài ngang hông, tết đuôi sam hoặc vấn thành nắm lớn sau gáy. Mỗi lần mẹ chải tóc, gội đầu đều rất cực. Nhiều hôm quán đông khách (nhà chị bán phở) không chải kịp, tóc mẹ rũ rượi, bù xù. Không ít lần đánh mẹ, bố thuận tay, nắm mớ tóc đen dài đó mà kéo, mà giật.
Tối hôm đó, mẹ bước vào nhà với mái tóc tém nhẹ ngang vai lạ lẫm, trẻ trung. Điệp và hai em ngỡ ngàng: "Ơ mẹ!" kèm với sự thích thú, tò mò. Đứa út 5 tuổi còn khen: "Mẹ trẻ đẹp quá mẹ ơi!". Mẹ cười.
Đúng lúc đó, bố chị Điệp từ nhà dưới bước ra, lao vào mẹ như một con thú, gào thét: "Ai cho mày cắt tóc! Đồ đú đởn...!". Cứ vậy, ông lao vào tát, đấm đá mẹ liên tục như thể bà vợ vừa gây ra tội tày đình.
Ông lôi mẹ ra giữa sân, lột quần áo bên ngoài, dùng gậy đánh bà liên tục, nhắm vào cả vùng kín mà dồn lực. Chưa hết, ông lấy kéo cắt gà xắn vào mái tóc ngắn của mẹ thành những mảng lởm chởm. Ông còn lấy cả dao cạo râu cạo đầu mẹ thành những mảng trắng, có chỗ xước, tứa máu...
Chị Điệp kinh hoảng, ám ảnh vì hình ảnh lúc đó. Chị em chị khóc lóc, van xin bố trong bất lực. Sau mỗi tiếng van xin của các con, mẹ chị lại nhận những cú đánh thật lực hơn, những đường cạo trên đầu nhấn xuống mạnh hơn.
Nhiều người trong làng kéo đến xem, chỉ vài lời can ngăn kiểu xã giao, còn việc "chồng đánh vợ" được mặc nhiên xem là... chuyện nhà người ta, là quyền của người chồng.
Ông Chín cạnh nhà chị Điệp chắp tay sau hông đứng nhìn, nói với người bên cạnh: "Vợ tao mà dám động đến tóc tai, tao cạo đầu rồi đuổi thẳng cổ". Nhiều người gật gù...
Hóa ra, không ít người vợ, người mẹ không có quyền cơ bản nhất với chính thân thể, với làn da, mái tóc của chính mình. Hơn nữa, cảnh người đàn ông đánh đập vợ, suy nghĩ "đuổi cổ vợ" cũng phần nào cho thấy phụ nữ yếu thế trong mối quan hệ gia đình, vợ chồng.
Sau trận đòn đó, mẹ chị Điệp phải lấy khăn trùm đầu cả năm trời che vết tích, chờ đến khi tóc dài trở lại. Bà vẫn quần quật làm việc, bán hàng ăn, buôn đủ thứ kiếm tiền nuôi con.
Năm học lớp 8, Điệp đã từng hỏi mẹ: "Sao mẹ không bỏ ba?". Bà quát: "Nói vớ vẩn!".
4 năm trước, ba chị qua đời vì căn bệnh ung thư. Chị Điệp đau đớn nói rằng, từ ngày ba mất, mẹ chị mới bắt đầu được sống cuộc đời cho chính mình.
"Giờ tôi hiểu phần nào lý do ngày đó mẹ cắt tóc tém. Mẹ cắt tóc như một sự phản kháng về mặt tinh thần, thể hiện sự dồn nén, uất ức và cả bế tắc", cô con gái chiêm nghiệm.
Tiến sĩ không dám cắt tóc vì... chồng không cho
Mới đây, tại Đắk Lắk xảy ra sự việc người vợ 32 tuổi đi nhuộm tóc nâu về bị chồng yêu cầu nhuộm đen lại.
Người vợ không đồng ý, vợ chồng đôi co qua lại. Người chồng dùng kéo cắt phăng một phần mái tóc của vợ và làm nạn nhân bị thương tích, chảy máu...
Không chờ đến câu chuyện vợ bị chồng "cho ăn kéo" vì nhuộm tóc này, trước đó đã có hàng loạt sự việc vợ đi làm đẹp bị chồng "xuống tay" dã man.
Cũng tại Đắk Lắk, trước đây từng xảy ra sự việc vợ đi xăm chân mày về bị chồng đánh đập túi bụi, kéo vào nhà bếp dúi đầu vào bếp lửa đang cháy. Khi người vợ cố vùng vẫy để thoát, thì gã chồng lấy ấm nước đang nấu trên bếp đổ lên người nạn nhân khiến chị này bị bỏng nặng.
Năm rồi, mạng xã hội cũng dậy sóng trước clip vợ trẻ đi làm tóc đón Tết, bị chồng xông vào tận quán đánh đập tới tấp vào mặt, vào người. Vừa đánh, gã chồng không ngừng quát tháo: "Mày đi làm tóc đã xin phép tao chưa?", cùng lời đe dọa "Đừng có về nhà nữa".
Sau tiếng quát tháo của ông chồng, nhiều thợ làm tóc khi đó chỉ đứng nhìn... cảnh tượng bạo hành này.
Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời.
Bà Lê Hồng Dung - chuyên gia xã hội học ở TPHCM - chia sẻ, nhiều vụ bạo lực gia đình xuất phát từ việc người chồng kiểm soát, thô bạo trước nhu cầu làm đẹp của phụ nữ.
Bà Dung cho hay, hiện nay những chuẩn mực về "công dung ngôn hạnh" với người phụ nữ đã bớt khắt khe so với trước nhưng vẫn là một "gọng kìm" khủng khiếp với nhiều chị em.
"Tôi biết nhiều người phụ nữ là tiến sĩ, rất có địa vị, chức tước nhưng ôm nỗi khổ sở, bức bối với mái tóc dài. Nhưng họ không dám cắt ngắn hay thay đổi vì... chồng không cho", người này kể.
Theo bà Dung, còn nhiều định kiến đối với hình thức, dung nhan của người phụ nữ. Kiểu như phụ nữ phải tóc đen, dài...
Cô gái kể bố cho mẹ ăn dao cạo, đánh thẳng vùng kín vì dám cắt tóc tém - 4
Phụ nữ luôn có nhu cầu làm đẹp, thể hiện cá tính riêng. Ảnh minh họa: Hoài Nam
Và sâu xa, nhiều người vẫn còn tư tưởng ăn sâu rằng, dung nhan của phụ nữ là để phục vụ cho ai đó, thuộc về quyền kiểm soát của ai đó, cụ thể nhất là của người chồng, không phải cho chính bản thân của người phụ nữ.
Bà Lê Hồng Dung cho rằng, thời nào phụ nữ cũng hướng đến cái đẹp, cũng có nhu cầu làm đẹp. Đó là nhu cầu chính đáng.
Người này nhấn mạnh, sắc đẹp của người phụ nữ ngày nay cần đi cùng với sự tự chủ. Việc làm đẹp trước hết là thể hiện sự trân quý, tôn trọng chính bản thân mình, để phục vụ cho chính mình rồi mới đến chồng con, người xung quanh.
Người đàn ông, người chồng cần hiểu điều này để có ứng xử một cách lịch sự, văn minh với nhu cầu làm đẹp của phụ nữ.
VietBF@ sưu tập
|
|