Triệu chứng giai đoạn đầu của ung thư mũi thường là chảy nước mũi, nghẹt mũi, tắc nghẽn xoang, dễ nhầm với cúm hoặc cảm lạnh.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư mũi (gồm ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi) ít gặp, thuộc loại ung thư vùng đầu cổ. Bệnh ung thư đầu và cổ chiếm khoảng 4% tổng số ca ung thư, trong đó ung thư mũi chiếm tỷ lệ nhỏ. Ung thư mũi phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi, 80% trường hợp gặp ở người từ 55 tuổi trở lên.
Ung thư mũi được chia thành 5 giai đoạn từ 0 đến 4. Giai đoạn 0 là ung thư biểu mô tại chỗ và chỉ tồn tại ở nơi nó bắt đầu. Nếu được phát hiện sớm, ung thư giai đoạn này có thể chữa khỏi.
Giai đoạn một, tế bào ung thư lan rộng khắp niêm mạc hoặc lớp ngoài của khoang mũi nhưng chưa xâm nhập vào xương và chưa ảnh hưởng đến hạch bạch huyết. Giai đoạn hai, ung thư xâm lấn vào xương nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Sang giai đoạn ba, khối u phát triển đến xương và các cấu trúc khác rộng hơn, tấn công các hạch bạch huyết. Giai đoạn 4 là ung thư di căn, lan rộng đến các cơ quan trong cơ thể.
Nhiều dấu hiệu ban đầu của ung thư mũi rất giống triệu chứng cảm lạnh, cúm thông thường, nhất là ở giai đoạn đầu. Dấu hiệu gồm chảy nước mũi, nghẹt mũi, tắc nghẽn khoang mũi, xoang bị đầy hoặc tắc nghẽn.
Do triệu chứng này dễ nhầm lẫn nên nhiều người mắc bệnh ung thư mũi khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn tiến triển. Khi đó, ung thư đã lan sang các cấu trúc lân cận như mắt, thường có các triệu chứng như chảy máu mũi hoặc đau răng.
Ví dụ, nghiên cứu năm 2021 trên 184 bệnh nhân ung thư khoang mũi của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Shaukat Khanum Memorial, Pakistan, cho thấy hơn 70% người tham gia ban đầu được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn bốn.
Người có các dấu hiệu như chảy nước mũi, nghẹt mũi, tắc nghẽn xoang kéo dài, không bớt khi điều trị thông thường nên đi khám để xác định nguyên nhân.
Ung thư mũi cũng có triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, dễ nhầm với cảm lạnh, cúm . Ảnh minh họa: Freepik
Hầu hết ung thư mũi được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào vảy, phát sinh từ các cấu trúc và hệ thống tuyến, ví dụ tuyến nước bọt.
Xoang hàm trên là vị trí phổ biến nhất của ung thư mũi, có tới 90% trường hợp này được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ít gặp hơn là các vị trí khoang mũi, tiền đình ở lối vào mũi hoặc xoang sàng. Bệnh ít khi xảy ra ở xoang trán hoặc xoang bướm.
Nhiều loại ung thư khác có thể ảnh hưởng đến xoang và khoang mũi như ung thư da, hạch, sarcoma (u ác tính ảnh hưởng đến xương, cơ). U nguyên bào thần kinh cũng hình thành ở các mô ở phần trên của khoang mũi, thường gặp ở trẻ em.
Ung thư mũi có thể do những thay đổi về di truyền, đột biến gene. Tiếp xúc với yếu tố môi trường cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Trong một số trường hợp, phơi nhiễm này có liên quan đến hít phải bụi niken, crom, da, dệt may, gỗ; tiếp xúc bức xạ như radium có trong sơn hoặc tiếp xúc với keo, dầu khoáng, formaldehyde.
Hút thuốc và sử dụng rượu cũng là yếu tố nguy cơ ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi. Virus u nhú ở người (HPV) và epstein-barr cũng có thể là nguyên nhân.
Nội soi mũi, chụp X-quang, cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), PET và sinh thiết mô được dùng chẩn đoán ung thư mũi.
Điều trị ung thư mũi phụ thuộc sức khỏe tổng thể, giai đoạn và khối u lây lan. Bệnh ở giai đoạn một có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật. Khi khối u ác tính tiến triển hơn, các lựa chọn điều trị thường gồm hóa xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp nhắm mục tiêu. Với những bệnh nhân nặng, điều trị thường là chăm sóc giảm nhẹ nhằm giảm triệu chứng và kéo dài sự sống.
VietBF@sưu tập