Trong cuộc sống ngày nay, tủ lạnh đã trở thành một trong những thiết bị không thể thiếu của mỗi gia đình. Nó có công dụng lưu trữ nước giải khát để sử dụng hàng ngày và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng tủ lạnh, đôi khi chúng ta thấy rằng thức ăn vẫn bị hư hỏng, ôi thiu. Nếu không để ý, cả gia đình rất có thể sẽ bị ngộ độc vì dùng phải những thức ăn này. Vậy làm sao để phát hiện được những thực phẩm đã bị hư hỏng?
Theo Amritha K, chuyên gia dinh dưỡng tại chuyên trang sức khỏe Boldsky, nếu thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh có 5 dấu hiệu bị hỏng như sau, tốt nhất bạn nên cân nhắc bỏ đi vì chúng đã biến chất. Nếu vẫn tiết kiệm dùng thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe:
- Thực phẩm bỗng có mùi lạ
Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi thực phẩm bị hư hỏng. Khi mở tủ lạnh ra mà ngửi mùi lạ, hãy kiểm tra xem nó xuất phát từ đâu và kịp thời loại bỏ.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), những mùi này đến từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi do vi khuẩn tiết ra khi chúng "ăn" thức ăn thừa mà bạn cất trữ trong tủ lạnh lâu ngày. Ngay cả những thực phẩm được bảo quản ở ngoài mà có mùi lạ thì tức là cũng bị hỏng. Lúc này tốt nhất nên vứt đi, đừng tiếc mà ăn lại kẻo mang bệnh.
- Thực phẩm xuất hiện chất nhầy
Nếu trên bề mặt thực phẩm bỗng xuất hiện các chất nhầy nhụa thì chứng tỏ chúng đã bị hỏng nặng. Một số loại rau củ, nếu trở nên mềm quá mức và chảy chất nhầy thì cũng nên bỏ đi.
Một nghiên cứu trên tạp chí Food Control của Mỹ nhấn mạnh rằng, chất nhờn trên thực phẩm chính là dấu hiệu rõ ràng phản ánh sự phát triển của vi khuẩn. Nếu vẫn cố ăn thì hậu quả xấu sẽ đến với sức khỏe.
- Kết cấu của thực phẩm trở nên kỳ lạ
Thịt tươi khi đã được rã đông không được dính, nhão hoặc có mùi hôi. Nếu thấy thịt có các hiện tượng trên, hãy vứt bỏ ngay để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm của Mỹ, những thay đổi về kết cấu trong thực phẩm là do sự tác động của hơi ẩm. Từ đó tác động đến chất lượng, mùi vị và còn tiềm ẩn cực nhiều vi khuẩn gây hại.
- Thực phẩm bị chua
Thực phẩm bị chua thường xuất hiện khi vi khuẩn hoặc nấm gây ra quá trình lên men, chuyển đổi đường thành axit. Điều này không chỉ làm thay đổi hương vị và mùi của thực phẩm, mà còn tạo ra môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Khi thực phẩm trở nên chua, nó có thể dẫn đến sự giảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Vị chua do hư hỏng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về đường huyết, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm bị chua có thể gây nôn mửa, tiêu chảy và các vấn đề khác về hệ tiêu hóa.
- Thực phẩm bị mốc
Hầu như tất cả các loại nấm mốc đều gây hại cho sức khỏe. Vậy nên, nếu thấy nấm mốc xuất hiện trên thực phẩm, đặc biệt là bánh mì hay trái cây… thì nhất định phải vứt đi ngay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, một số loại nấm mốc sản sinh ra độc tố, thậm chí là gây ung thư.
Ngoài ra, việc ăn thực phẩm chứa nấm mốc có thể gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa. Một số loại nấm mốc thường có các chất gây kích ứng cho đường ruột, dẫn đến các vấn đề như tiêu chảy, đau bụng và khó tiêu hóa. Một số người có thể xuất hiện phản ứng dị ứng với nấm mốc, gây ra các triệu chứng như nổi mẩn, ngứa hoặc khó thở.
Thực phẩm bị mốc tuyệt đối không được ăn vì rất độc hại.
Những điều cần lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Đầu tiên, đối với những thức ăn thừa, ta nên bảo quản bằng hộp nhựa và đậy kín trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản. Thực phẩm đã nấu chín thì nên để nguội ở bên ngoài rồi mới cho vào tủ lạnh.
Rau củ quả sau khi mua về, hãy nhặt bỏ những phần bị héo úa rồi rửa sạch, để ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Bạn có thể bọc lại bằng giấy báo hoặc túi nilon để giữ cho thực phẩm không bị mất nước và tươi lâu hơn.
Thịt, cá tươi sống khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp hoặc bịch nilon, sau đó buộc kín và cất ở ngăn đá.
|