Giới chức và các chuyên gia nước này lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của người nổi tiếng trong việc phổ biến sử dụng chất kích thích bất hợp pháp.
Ngày 8/11, cựu chủ tịch YG Entertainment Yang Hyun-suk bị phạt tù treo vì cáo buộc cố gắng che đậy bê bối ma túy năm 2016 liên quan đến một nghệ sĩ của công ty. Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vấn đề liên quan đến ma túy gây xôn xao làng giải trí Hàn Quốc gần đây.
Cùng lúc, cảnh sát đang điều tra cáo buộc liên quan ma túy của nam diễn viên phim Parasite Lee Sun-kyun và siêu sao Kpop G-Dragon. Năm ngoái, ngôi sao điện ảnh Yoo Ah-in bị điều tra vì sử dụng ma túy, xét nghiệm máu cho thấy dấu vết của nhiều chất, bao gồm cocaine. Phiên tòa xét xử công khai của Yoo Ah-in dự kiến diễn ra vào tháng 12. Những nghi ngờ liên quan đến cả ba ngôi sao chưa được xác nhận.
Cuộc trấn áp tội phạm ma túy là một phần trong "cuộc chiến chống ma túy" của Tổng thống Yoon Suk-yeol được tuyên bố vào năm ngoái. Ông nhiều lần nhấn mạnh tội phạm ma túy là "căn bệnh ung thư của xã hội cần phải loại bỏ tận gốc".
Ngày 8/11, Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon nhấn mạnh rằng bê bối ma túy liên quan đến người nổi tiếng có thể tác động tiêu cực đến tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc.
"Nếu các cáo buộc là đúng thì những nhân vật công chúng sử dụng ma túy phải bị trừng phạt nghiêm khắc", Bộ trưởng Han nói trong cuộc họp Quốc hội. Ông cho rằng vấn đề ma túy có xu hướng bị ảnh hưởng bởi tâm lý chung của xã hội. Khi người ta nhận thức ma túy là thứ gì đó "hay ho" có thể nâng cao tinh thần bất cứ khi nào họ muốn thì sẽ có tác động tiêu cực đến xã hội và góp phần phổ biến việc sử dụng ma túy.
Đạo luật Kiểm soát Ma túy của Hàn Quốc quy định các chất bị cấm thành ba loại: chất gây nghiện, chất hướng thần (như methamphetamine, ketamine và propofol), và cần sa. Phân phối, sở hữu, giao dịch hoặc sử dụng các chất này sẽ bị pháp luật trừng phạt, trong đó việc sử dụng "các dạng ma túy có thể không gây nghiện" như cần sa có thể bị phạt tới 5 năm tù.
Cuộc chiến chống ma túy của chính quyền Tổng thống Yoon được so sánh với các chiến dịch tương tự trong những năm 1970, khi tổng thống lúc bấy giờ là Park Chung-hee tiến hành cuộc trấn áp khiến một số nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí bị bắt. Tay guitar Shin Jong-hyun và ca sĩ Cho Yong-pil nằm trong số 137 người nổi tiếng bị bắt vì hút cần sa từ năm 1975 đến 1977.
"Hồi đó tôi thấy kỳ lạ khi những nghệ sĩ vĩ đại bị bắt vì ma túy, nhưng tôi nghĩ đó là một 'khóa học' mình cần phải tham gia để trở thành một ngôi sao như họ", Kim Tae-won, tay guitar kiêm trưởng nhóm của ban nhạc nổi tiếng Boohwal, chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân. Kim Tae-won từng bị phạt tù vì sử dụng ma túy vào năm 1987 và 1991, hiện trở thành người phản đối ma túy.
Suy nghĩ trên là loại tác động mà Bộ trưởng Han lo ngại những vụ bê bối ma túy của người nổi tiếng có thể gây ra cho những người trẻ dễ bị ảnh hưởng.
Khi các bê bối ma túy của người nổi tiếng chiếm lĩnh truyền thông, một số chuyên gia y tế cũng lo ngại độ phổ biến của các chất bất hợp pháp sẽ lan rộng và ảnh hưởng đến công chúng nói chung.
Chung Jee-eun, giáo sư khoa Dược tại Đại học Hanyang, tiến hành nghiên cứu dựa trên khảo sát liên quan đến chứng nghiện ma túy của một nhóm chuyên gia y tế, bao gồm các bác sĩ, y tá, nhà nghiên cứu và cố vấn cai nghiện. Họ xác định "việc ngày càng nhiều bạn bè, thành viên gia đình hoặc người nổi tiếng sử dụng ma túy khiến người trẻ mất cảm giác nguy hiểm trước ma túy". Theo chuyên gia, đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc sử dụng ma túy ở độ tuổi thiếu niên và độ tuổi 20 gia tăng.
Lee Hae-kook, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Uijeongbu St. Mary thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng chính phủ nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe liên quan đến ma túy.
"Thanh thiếu niên ngày nay ít sợ ma túy hơn nhiều so với trước đây. Các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin về tội phạm ma túy liên quan đến những người nổi tiếng có nguy cơ kích động thanh thiếu niên bắt chước họ. Thay vì tập trung mọi nỗ lực vào việc trấn áp tội phạm ma túy, chính phủ phải cố gắng khiến công chúng nhận ra rằng nghiện ma túy là một căn bệnh nghiêm trọng", giáo sư Lee nói.
Theo dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, số người bị buộc tội liên quan đến ma túy tăng từ 8.107 người vào năm 2018 lên 12.387 người vào năm 2022.
Tính đến tháng 8 năm nay, đã có 12.700 người bị buộc tội về các tội danh liên quan ma túy. Số tội phạm ma túy ở thanh thiếu niên đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay là 659, cao hơn gấp đôi so với con số 294 của năm 2022. Tội phạm ma túy ở người cao tuổi (60 tuổi trở lên) và nữ giới cũng ở mức cao nhất, lần lượt là 3.046 và 4.747.
|