Một nghiên cứu mới cho thấy những người đi bộ hơn 7.500 bước mỗi ngày trước khi phẫu thuật có tỷ lệ gặp biến chứng hậu phẫu ít hơn 45%.
Những phát hiện này vừa được trình bày tại Đại hội Lâm sàng của Trường Đại học Phẫu thuật Hoa Kỳ năm 2023 ở San Francisco.
Sau khi phân tích dữ liệu sức khỏe của 475 người tham gia Chương trình All of Us Research, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và sự xuất hiện các biến chứng sau phẫu thuật trong khung thời gian 90 ngày.
Hoạt động thể chất được đo bằng Fitbit - một thiết bị đeo có thể theo dõi các bước đi hàng ngày, giấc ngủ, tập thể dục và nhịp tim. Những người tham gia đều trên 57 tuổi và đã trải qua một loạt quy trình như phẫu thuật tổng quát, phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật thần kinh.
Trong số những người tham gia, 12,6% gặp biến chứng trong vòng 90 ngày sau phẫu thuật. Nguy cơ phát triển các biến chứng trong vòng 30 ngày ít hơn 45% khi bệnh nhân đi hơn 7.500 bước mỗi ngày trước phẫu thuật so với những người đi bộ ít hơn.
"Sau khi điều chỉnh các bệnh đi kèm, BMI, giới tính, chủng tộc và độ phức tạp của ca phẫu thuật, tỷ lệ gặp biến chứng thấp hơn 51% nếu bệnh nhân có dữ liệu Fitbit cho thấy họ đã đi bộ hơn 7.500 bước mỗi ngày trước phẫu thuật", các nhà nghiên cứu cho biết trong một thông cáo báo chí.
Theo các nhà nghiên cứu, phân tích không giới hạn ở những ngày trước phẫu thuật mà còn kéo dài trong sáu tháng hoặc vài năm trước đó.
"Fitbit và các thiết bị đeo khác có thể được kết nối với Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) và bác sĩ phẫu thuật sử dụng dữ liệu đó để lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân. Điều này thực sự trở thành giải pháp để cải thiện kết quả sau phẫu thuật", Carson Gehl, tác giả chính của nghiên cứu, hiện là sinh viên y khoa tại Đại học Y Wisconsin ở Milwaukee, cho biết.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có một số hạn chế nhất định, do nó chỉ dựa trên dữ liệu Fitbit của một nhóm bệnh nhân. Khả năng khái quát hóa của kết quả cũng bị hạn chế do người tham gia phải có thiết bị Fitbit riêng.
|