Đi tiểu nhiều lần, nước tiểu lẫn máu, nhiều bọt là các dấu hiệu thường gặp của bệnh thận mạn.
Theo BS.CKI Mạch Thị Chúc Linh, khoa Thận học - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài, thường tiến triển chậm, dễ nhầm lẫn so với các bệnh khác.
Giai đoạn sớm (giai đoạn 1-3), bệnh thường không có triệu chứng, có thể phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Ở giai đoạn muộn (giai đoạn 4, 5), biểu hiện bệnh rõ ràng hơn. Dưới đây là ba dấu hiệu bệnh thận thường gặp nhất ở đường tiểu.
Buồn tiểu nhiều
Người thường xuyên mắc tiểu, nhất là vào ban đêm có thể do bệnh thận. Các bộ lọc của thận bị hỏng làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
Tiểu máu
Khi thận gặp vấn đề, quá trình lọc máu không thể giữ được hết những tế bào máu trong cơ thể, khiến chúng rò rỉ ra ngoài theo đường nước tiểu. Máu trong nước tiểu cũng có thể do khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
Xét nghiệm nước tiểu giúp đánh giá chức năng thận. Ảnh: Freepik
Nước tiểu nhiều bọt
Nước tiểu của người mắc bệnh thận có nhiều bọt nổi lên, cần xả nước nhiều lần mới hết bọt hoàn toàn. Đây là dấu hiệu bệnh thận dễ nhận biết.
Khi chức năng thận suy giảm, độc tố và tạp chất không được đào thải ra ngoài theo nước tiểu mà tích tụ trong máu, lâu dần khiến người bệnh chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, khó tập trung, khó ngủ.
Nồng độ natri thừa nhiều trong máu gây sưng bàn chân, mắt cá chân. Lúc này thận cũng mất khả năng cân bằng điện giải, khoáng chất và dinh dưỡng trong máu, thường gây khô da, ngứa, chuột rút.
Theo bác sĩ Linh, bệnh thận khá nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng. Trong đó, bệnh thận mạn tính có thể tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối, gây tử vong nếu không được điều trị thay thế thận (lọc máu, ghép thận).
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa thận khám khi có các dấu hiệu trên. Người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường... có nguy cơ cao biến chứng suy thận nên khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ đánh giá chức năng thận thông qua các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính... và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp. Phát hiện và điều trị càng sớm, khả năng phục hồi, làm chậm diễn tiến bệnh càng cao.
Ngoài sử dụng thuốc hoặc lọc máu theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần ăn giảm muối, kali, phốt pho và protein để giảm gánh nặng cho thận. Tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày, duy trì cân nặng ổn định, bỏ hút thuốc lá và đồ uống có cồn.
VietBF@sưu tập