Rất nhiều người mắc những sai lầm phổ biến trong bảo quản trái cây như cài đặt nhiệt độ và độ ẩm không phù hợp, rửa quá sớm hay để các quả cạnh nhau.
Việc bảo quản đúng cách đặc biệt quan trọng đối với trái cây, vì chúng có thể nhanh chóng bị mốc hoặc chín quá, cuối cùng phải bỏ đi. Dưới đây là các sai lầm phổ biến nhất:
Rửa quá sớm
Khi bạn rửa trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng, trước khi chúng chín hoàn toàn hoặc ngay trước khi bảo quản, bạn đang "bơm" độ ẩm cho chúng. Độ ẩm dư thừa nếu không được làm khô hoàn toàn sẽ tạo môi trường hoàn hảo cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.
Với những loại trái cây dễ bị mốc, bạn không nên rửa cho đến khi ăn, sẽ giảm nguy cơ nấm mốc, đồng thời giúp loại bỏ những quả đã có dấu hiệu hư hỏng, ngăn lây sang các quả còn lại. Khi mua về bạn chỉ cần lau nhẹ nhàng cho đỡ bụi bẩn. Hoặc nếu muốn rửa trước, bạn nên cho vào máy trộn salad để hút hết nước, sau đó bảo quản trong túi đục lỗ thoáng khí.
Để các loại quả gần nhau
Các loại trái cây như chuối chín, táo, bơ, lê, cà chua và đào sản sinh ra ethylene, một loại khí giúp đẩy nhanh quá trình chín. Khi bảo quản gần các loại trái cây khác, đặc biệt là những loại nhạy cảm với ethylene như măng tây, mâm xôi, xoài, cam sẽ thúc đẩy các quả này nhanh chín, hư hỏng.
Tốt nhất, bạn nên bảo quản những loại trái cây tương thích với nhau. Nếu tất cả đều chứa ethylene, an toàn nhất là để gần nhau để không ảnh hưởng đến các loại trái cây khác.
Ngoài tác dụng của ethylene, một số loại trái cây có thể tỏa mùi khi để quá gần các loại khác. Ví dụ, hương của quả mít, cam rất dễ ám mùi lên quả khác.
Bao bì không thích hợp
Nhiều người thường cất luôn hộp trái cây mua về vào tủ lạnh mà không biết bao bì ban đầu thiếu không gian thích hợp cho quả thở, có thể dẫn đến tích tụ độ ẩm và nấm mốc. Ngoài ra bao bì từ cửa hàng có thể bẩn.
Thay vào đó, hãy cân nhắc lựa chọn các hộp đựng kín khí, có thể tái sử dụng được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa không chứa BPA để duy trì độ tươi. Túi zip nhựa có lỗ nhỏ cũng có thể ngăn ngừa nấm mốc và hơi ẩm bằng cách cho phép luồng không khí lưu thông.
Cắt quả quá sớm
Sau khi bị cắt, quả sẽ ngay lập tức mất đi độ tươi do tiếp xúc với oxy và vi khuẩn. Đặc biệt, trái cây có hàm lượng nước cao như dưa, họ cam quýt và quả mọng rất dễ bị hỏng sau khi cắt vì độ ẩm cao tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn cà nấm mốc phát triển, ngay cả khi được bảo quản trong tủ lạnh.
Hơn nữa còn là vấn đề trái cây chuyển sang màu nâu do bị oxy hóa. Một số loại như bơ, táo và chuối dễ bị oxy hóa hơn sau khi được cắt ra. Tốt nhất nên ăn sớm.
Không biết dùng nước khi cần thiết
Một số loại trái cây bảo quản trong nước sẽ giữ được độ giòn và duy trì độ tươi. Khi bạn cắt táo, lê hoặc bơ, bảo quản chúng trong nước có thể giúp giữ độ ẩm và ngăn ngừa hiện tượng chuyển sang màu nâu mà không làm hỏng hương vị.
Một số loại khác như bưởi, chanh và cam, dưa chuột phát triển mạnh khi có thêm độ ẩm. Nếu không muốn để ngăn mát tủ lạnh, bạn có thể để trong chậu nước bên ngoài, với yêu cầu thay nước hàng ngày.
Quên FIFO
FIFO là viết tắt của "First In, First Out" có nghĩa là luân chuyển thực phẩm để đảm bảo sử dụng sớm các loại mua trước rồi mới đến loại mua sau. Điều này rất quan trọng vì nó duy trì độ tươi và ăn trước khi bị hỏng. Điều này cũng có thể giúp giữ cho tủ lạnh ngăn nắp và gọn gàng. Định kỳ kiểm tra khu vực bảo quản trái cây, dán nhãn ngày mua để ăn sớm nhất.
Tủ lạnh bẩn
Trái cây không phải là thực phẩm duy nhất tồn tại trong tủ lạnh và việc thường xuyên vệ sinh có thể giúp giữ tất cả thực phẩm tươi lâu hơn. Tủ bẩn, đọng thức ăn có thể đẩy nhanh quá trình chín và thối của trái cây. Quan trọng nhất, một tủ lạnh sạch sẽ giúp loại bỏ vi trùng và vi khuẩn có thể làm ô nhiễm trái cây, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo từ các thực phẩm khác.
Không để trái cây bên ngoài
Một số loại trái cây cần được bảo quản trong tủ lạnh, nhưng không phải tất cả. Ví dụ, quả dứa chậm chín sau khi thu hoạch, bảo quản trong tủ lạnh không tạo ra sự khác biệt. Ngoài ra, tủ lạnh có thể ảnh hưởng đến hương vị và kết cấu, nhất là quả cà chua. Vì thế nên để ở nhiệt độ phòng, chỉ cất vào tủ lạnh khi nó chín quá, hoặc bạn đã cắt ra.
Các loại quả có hạt như đào, mận và anh đào, táo và lê cũng tốt hơn ở nhiệt độ phòng. Đặt vào tủ lạnh có thể là một ý tưởng tồi, đặc biệt là trước khi chúng chín vì có thể làm nó bị nhão và mất hương vị.
|
|