Theo như thỉnh thoảng, Phổ Nghi cũng trở về thăm “nhà cũ”, chính là Cố cung (tên gọi sau này của Tử Cấm Thành), nhưng lại với tư cách du khách tham quan, mua vé vào cổng, vì vậy xung quanh chuyện “Phổ Nghi đi thăm Cố cung” có rất nhiều tình huống nhầm lẫn khiến ông không thể không tiết lộ thân phận năm xưa của mình.
Sau khi ra tù và hòa nhập vào cuộc sống, Phổ Nghi cởi bỏ thân phận cao quý của một vị Hoàng đế năm xưa để làm một công dân bình thường. Ông làm công việc giấy tờ và tập trung vào việc hoàn thành cuốn hồi ký “Nửa cuộc đời trước của tôi”, nơi ông được một lần nữa vùng vẫy trong cung cấm như thuở còn làm Hoàng đế nhà Thanh.
Thỉnh thoảng, Phổ Nghi cũng trở về thăm “nhà cũ”, chính là Cố cung (tên gọi sau này của Tử Cấm Thành), nhưng lại với tư cách du khách tham quan, mua vé vào cổng.
Nhìn khung cảnh xưa cũ, nơi mọi thứ từng thuộc về mình, Phổ Nghi thổ lộ rằng ông có cảm giác hơi chua chát, cũng có chút hoài niệm, không phải đau khổ, không phải buồn tủi, mà là sự chạnh lòng không nói rõ thành lời.
Phổ Nghi cười kể lại khi ông đi dạo trong Cố cung, xảy ra nhiều tình huống dở khóc dở cười khiến ông không thể không tiết lộ thân phận của mình.
Ví dụ như một lần, nơi Phổ Nghi làm việc tổ chức cho nhân viên đi tham quan Cố cung. Bản thân ông vốn không muốn đi vì sau khi ra tù ông đã đến thăm một lần, hơn nữa vào nơi từng là nhà của mình cũng không mấy vui vẻ. Tuy nhiên từ chối lại khiến đồng nghiệp mất vui, ông cũng đành đi theo.
Trong Cố cung, khi Phổ Nghi tiến vào một gian phòng triển lãm, ông nhìn thấy một bình hoa, thế là tự nhiên nở nụ cười rồi nói vui với đồng nghiệp bên cạnh rằng: “Đây là cái bô của tôi”.
Lời của Phổ Nghi khiến ai cũng quay lại nhìn một cách khó hiểu, trong đó có nhân viên giới thiệu, cũng là chuyên gia lịch sử kiêm hướng dẫn viên tại Cố cung. Ánh mắt của họ có phần khinh bỉ vì không ngờ người đàn ông đã có tuổi này lại nói ra câu đùa như một đứa con nít khi bản thân đứng trong hoàng cung lịch sử.
Vị chuyên gia kinh ngạc vì đây rõ ràng là cái bình hoa, mà tại sao người đàn ông kia lại nói là cái bô, đã vậy còn là “cái bô của tôi”?
Với nhiệm vụ phổ biến kiến thức cho khách tham quan, vị chuyên gia đã hướng mắt đến Phổ Nghi và nói: “Đây là bình hoa, không phải là cái bô. Anh nhìn xem, với hình dáng, chất liệu và hoa văn này thì làm sao nó là cái bô được”.
Tuy nhiên, Phổ Nghi đã nói ra thân phận của mình và thản nhiên giải thích: “Đây thứ tôi hay chơi lúc nhỏ. Thời ấy nghịch ngợm, tôi thường dùng cái bình hoa này như cái bô mà tiểu vào”.
Sau khi biết được thân phận của Phổ Nghi, vị chuyên gia mới vỡ lẽ vì sao người đàn ông này lại nói “Cái bô của tôi”. Cái bình hoa, vẫn là cái bình hoa theo đúng bản chất của nó, nhưng cũng là cái bô của vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh khi ông còn tại vị.
Hiểu theo góc độ nào đó, cách nói của Phổ Nghi hoàn toàn không sai, ngược lại còn khiến nhiều người dâng lên nhiều cảm xúc khó tả: “Không ngờ người bên cạnh mình lại là Hoàng đế nhà Thanh!”.
Ngoài ra, xung quanh chuyện “Phổ Nghi đi thăm Cố cung” còn có một tình huống nhầm lẫn rất nổi tiếng khác.
Cũng trong một lần đi tham quan Cố cung, trước lời giới thiệu của hướng dẫn viên, Phổ Nghi không thể không lên tiếng đính chính.
Hướng dẫn viên nói rằng bức ảnh treo trên tường trong một cung điện là Hoàng đế Quang Tự. Thế nhưng Phổ Nghi lại phản bác ngay, đồng thời cho biết đây là sự nhầm lẫn của người nghiên cứu và bảo tồn di tích lịch sử.
Theo đó, Phổ Nghi nói rằng người trong bức ảnh không phải là Hoàng đế Quang Tự, mà là cha của ông - Nhiếp chính vương Tái Phong.
Trước sự hoài nghi của hướng dẫn viên và nhiều khách tham quan khác, Phổ Nghi cũng đành nói ra thân phận của mình. Nhờ đó, nhân viên quản lý trong Cố cung mới kịp thời kiểm tra lại tư liệu lịch sử và thay đổi tấm hình bị nhầm lẫn.