Quan điểm uống sữa khiến tế bào ung thư phát triển và di căn nhanh hơn là không có cơ sở khoa học.
Sữa là thực phẩm giàu năng lượng và dễ hấp thu, giúp nâng cao thể trạng cũng như phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, vitamin, khoáng chất giúp phòng chống suy dinh dưỡng hiệu quả. Bệnh nhân ung thư cũng có thể lựa chọn sữa chua, phô mai và các chế phẩm từ sữa để ăn thêm giữa các bữa trong ngày.
Tuy nhiên, một số người không dung nạp được đường sữa (thường bị đau bụng, tiêu chảy khi uống) thì cần tránh sữa và các chế phẩm từ sữa. Những bệnh nhân ung thư bị tiểu đường, cao mỡ máu có thể hỏi thêm bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để sử dụng phù hợp.
Một số người gặp khó khăn về ăn uống, ăn không đủ lượng dinh dưỡng trong một ngày vì các triệu chứng của bệnh hoặc do tác dụng phụ. Chẳng hạn phẫu thuật ảnh hưởng hệ tiêu hóa, khiến người bệnh khó ăn uống; hay hóa, xạ trị có thể gây chán ăn, loét miệng, buồn nôn. Do đó, bệnh nhân cần được tư vấn để có chế độ ăn phù hợp, đa dạng, đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là đạm và calo.
Quan trọng nhất, người mắc ung thư nên duy trì ăn uống đầy đủ dưỡng chất, kết hợp vận động đều đặn để có đề kháng, nhờ đó hiệu quả điều trị cao hơn. Trường hợp ép bản thân ăn theo chế độ khắc nghiệt, kiêng khem quá mức, hoặc nhịn đói thường bị sút cân, suy kiệt nhanh và dễ tử vong hơn vì không đủ sức khỏe chống chọi bệnh tật.
Ngoài ra, bệnh nhân cần giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn để giữ thể trạng tốt nhất có thể.
VietBF@sưu tập
|