Titicaca, hồ lớn nhất Nam Mỹ cung cấp nước ngọt cho 3 triệu người, đang khô cạn nhanh chóng sau đợt nắng nóng mùa đông chưa từng có.
"Chúng tôi không biết sẽ làm gì từ nay tới tháng 12 vì nước hồ sẽ tiếp tục hạ xuống", Nazario Charca, 63 tuổi, người kiếm sống bằng nghề đưa đón khách du lịch ở hồ Titicaca, nói trong phóng sự đăng ngày 3/9 trên CNN.
Người đàn ông đi bộ trên mặt đất nứt nẻ ở hồ Titicaca ngày 17/8. Ảnh: AFP
Làn nước trong xanh của hồ nước lớn nhất Nam Mỹ là điểm thu hút nhiều du khách lâu nay. Hồ trải rộng gần 8.300 km2 qua biên giới Peru và Bolivia, được gọi là "biển trong đất liền" và là quê hương của các cộng đồng người dân tộc bản địa Aymara, Quechua và Uros.
Titicaca nằm ở độ cao 3.800 mét trên dãy Andes, khiến nó cũng trở thành hồ cao nhất thế giới có độ sâu đủ an toàn cho tàu bè qua lại. Độ cao của hồ khiến nước ở đây tiếp xúc với bức xạ mặt trời cao, làm tăng khả năng bốc hơi.
Hơn ba triệu người sống quanh hồ, dựa vào đây để đánh bắt cá, trồng trọt, thu hút khách du lịch. Nhưng bây giờ, những điều này có nguy cơ biến mất.
Mực nước hồ thay đổi theo từng năm, nhưng ngày càng khô hạn do biến đổi khí hậu. Nhà khí tượng học Taylor Ward cho hay đợt nắng nóng kỷ lục hồi mùa đông khiến lượng nước bốc hơi nhiều hơn, mực nước hồ giảm xuống, tình trạng thiếu nước do hạn hán nghiêm trọng hơn.
Sixto Flores, giám đốc Sở Khí tượng và Thủy văn Puno của Peru, cho hay từ tháng 8/2022 tới tháng 3 năm nay, lượng mưa khu vực này thấp hơn 49% so với trung bình. Đây là quãng thời gian những cơn mưa giúp bổ sung nước cho hồ.
Flores cho biết nếu nước hồ tiếp tục bốc hơi với tốc độ như hiện nay, hồ Titicaca sẽ trở nên khô hạn nhất kể từ năm 1996 trong vài tháng tới, gây ra tình huống "rất nghiêm trọng".
Nghiên cứu ảnh vệ tinh từ năm 1992 tới 2020 cho thấy hồ Titicaca đang mất 120 triệu tấn nước mỗi năm, chủ yếu do thay đổi lượng mưa và dòng chảy.
Chính quyền khu vực cho hay cây trồng bị ảnh hưởng nặng trong vụ vừa qua. Phần lớn cây quinoa và khoai tây, hai mặt hàng chủ yếu của địa phương, cũng như yến mạch dùng để chăn nuôi gia súc, đều bị ảnh hưởng. Kinh tế du lịch cũng bị giáng đòn khi thuyền chở du khách mắc kẹt vì nước cạn.
"Chúng tôi cực kỳ lo lắng vì mực nước đang giảm rất mạnh", Jullian Huattamarca, 36 tuổi, người bán sản phẩm dệt may cho du khách tới thăm đảo Taquile, nói. "Chúng tôi muốn du khách quay lại, đặc biệt là khách nước ngoài".
Connor Baker, nhà phân tích tại International Crisis Group, cho rằng tình hình hiện nay đòi hỏi phải đưa ra hành động lâu dài để bảo vệ người dân sống phụ thuộc vào hồ.
"Các cộng đồng địa phương phụ thuộc sinh kế vào hồ rất dễ bị tổn thường, nhấn mạnh tính cấp thiết cần giải quyết thách thức do mực nước biến động ngày càng nghiêm trọng", ông nói.