Rau xanh rất giàu vitamin và dinh dưỡng cho cơ thể nhưng quá lạm dụng và sử dụng chủ yếu để giảm cân thì đó là một sai lầm, vì nếu thừa chất xơ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Theo các chuyên gia, rau củ quả cần được ăn kết hợp với các nguồn thực phẩm khác để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. Ăn quá nhiều rau xanh mà không ăn những món ăn có chứa chất béo, đạm, carb sẽ không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động trong ngày.
Ăn quá nhiều rau xanh có thể gây ra một số tác hại sau:
1. Gây trào ngược axit dạ dày
Thực tế, chất xơ là dưỡng chất giúp làm giảm trào ngược axit dạ dày. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều rau xanh, cung cấp dư thừa lượng chất xơ cần thiết thì lại làm phản tác dụng do hàm lượng chất xơ dư thừa đã gây áp lực lên dạ dày dẫn đến trào ngược axit dạ dày.
2. Gây khó tiêu, đầy bụng và đầy hơi
Việc ăn quá nhiều rau xanh sẽ bổ sung dư thừa lượng chất xơ cần thiết làm cho cơ thể khó tiêu hoá hơn. Dư thừa chất xơ cũng có khả năng làm giảm khả năng hấp thụ canxi và kẽm của cơ thể. Thậm chí, đối với những bệnh nhân bị xơ gan, ăn quá nhiều rau có thể dẫn đến chảy máu dạ dày khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn.
3. Gây tiêu chảy
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong tốc độ chuyển hoá ở ruột. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều rau xanh có chứa chất xơ không hoà tan sẽ làm cho tốc độ chuyển hoá ở ruột diễn ra nhanh hơn gây tiêu chảy. Đây cũng chính là lý do vì sao khi bệnh nhân bị tiêu chảy các chuyên gia thường khuyên không nên ăn nhiều trái cây hay quả khô vì chúng cũng có chứa rất nhiều chất xơ.
4. Gây táo bón
Không chỉ có khả năng gây tiêu chảy mà ăn quá nhiều rau xanh cũng có thể khiến bạn bị táo bón. Chất xơ gồm có hai loại, nếu như lượng chất xơ không hoà tan lớn là nguyên nhân gây ra tiêu chảy thì chất xơ hoà tan là nguyên nhân dẫn đến táo bón. Khi nạp quá nhiều chất xơ hoà tan vào cơ thể, lượng chất xơ hoà tan dư thừa sẽ tích tụ và hấp thụ tất cả các chất lỏng bên trong ruột gây ra tình trạng mất nước, dẫn đến táo bón. Đối lập với chất xơ không hoà tan, chất xơ hoà tan có xu hướng làm chậm sự di chuyển của đồ ăn qua đường tiêu hoá.
5. Gây tắc nghẽn ruột
Ít người hiểu rằng, ăn quá nhiều rau xanh cũng có thể gây tắc nghẽn đường ruột, đặc biệt là những loại rau chứa nhiều chất xơ không hòa tan. Chứng tắc nghẽn ruột hoàn toàn có thể xảy ra nếu trong ruột chúng ta không đủ nước nhưng lại chứa quá nhiều chất xơ. Do thiếu nước nên các chất xơ dư thừa không thể di chuyển, từ đó có thể dẫn đến tắc nghẽn ruột rất nguy hiểm.
6. Gây sỏi thận
Ngoài những vấn đề như trên thì ăn quá nhiều rau xanh cũng có thể gây ra tình trạng sỏi thận, bởi hầu hết các loại rau xanh đều có tính kiềm, và khi kết hợp với các thực phẩm chứa nhiều canxi sẽ tạo ra sỏi. Thế nên, những người mắc bệnh thận mãn tính hoặc suy thận thì không nên ăn quá nhiều rau xanh (đặc biệt là các loại rau quen thuộc như cải bó xôi, cần tây, cà chua).
7. Gây thiếu chất
Một bữa ăn quá nhiều rau và ít thịt, cá sẽ khiến cơ thể chúng ta mất cân bằng dinh dưỡng. Nếu ăn uống theo cách này lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ protein và axit béo.
Ăn bao nhiêu rau xanh là đủ?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày bạn nên tiêu thụ tối đa là 400gr rau xanh. Nếu như bạn ăn ít hơn hoặc nhiều hơn lượng quy định trên thì đều không có lợi cho sức khỏe.
Tốt nhất, bạn nên xây dựng cho mình một chế độ ăn sao cho hợp lý với đầy đủ các nhóm dinh dưỡng như: carbohydrate, protein, vitamin, khoáng chất, chất béo và chất xơ để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì hoạt động để luôn khỏe mạnh.
Tuyệt đối không vì áp dụng chế độ giảm cân mà chỉ bổ sung chất xơ, cắt hoàn toàn chất béo và tinh bột ra khỏi chế độ ăn uống, đây được coi là phương pháp thiếu khoa học.
VietBF@ Sưu tập