Tập thể dục thường xuyên góp phần giảm phụ thuộc thuốc hạ đường huyết và insulin, làm chậm biến chứng, tăng cường sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường tập thể dục có thể giảm cân nặng, huyết áp, lượng đường trong máu. Tập thể dục còn giúp xương chắc khỏe, tăng năng lượng, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ. Dưới đây là lợi ích của tập thể dục trong quản lý bệnh tiểu đường.
Hấp thụ lượng đường dư thừa: Tập thể dục giảm nhanh lượng đường cao trong máu. Vận động thường xuyên kích hoạt hấp thu glucose (đường) từ máu vào các cơ và cơ quan đang hoạt động, giảm căng thẳng, hạ đường huyết. Đi bộ sau bữa ăn có thể điều chỉnh lượng đường dư thừa trong máu.
Giảm cân: Người bệnh tiểu đường giảm 5-10 % trọng lượng cơ thể có thể cải thiện mức A1C (đường huyết trung bình trong ba tháng). Các bài tập rèn luyện cơ bắp, thể lực giúp giảm cân nhiều hơn. Người tập đốt cháy nhiều calo, duy trì cơ bắp săn chắc, hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Giảm mỡ nội tạng: Mỡ nội tạng có thể làm cho tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường type 2 phát triển. Những tế bào mỡ dư thừa do quá trình sản xuất, giải phóng các hóa chất và hormone làm cho cơ thể khó sử dụng insulin. Tập thể dục đốt cháy mỡ, có lợi cho người bị kháng insulin.
Nên dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày. Ảnh: Freepik
Cải thiện sức khỏe mạch máu: Khi vận động, cơ bắp giải phóng một loạt các hợp chất có lợi cho sức khỏe mạch máu, tuần hoàn. Oxy được tăng cường và chất dinh dưỡng đến nơi cần đến, giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh, các vấn đề về thị lực và tim liên quan đến bệnh này.
Giảm viêm: Viêm ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của tiểu đường type 2 và tình trạng liên quan khác như xơ cứng khớp, suy giảm nhận thức, thoái hóa khớp. Hoạt động thể chất thường xuyên hỗ trợ kiểm soát mức độ viêm mạn tính, giảm tác động bất lợi đến cơ thể.
Phục hồi chức năng thần kinh: Theo nghiên cứu năm 2012 của Trung tâm Y tế Đại học Kansas (Mỹ), người tiểu đường giảm đáng kể cơn đau và bệnh thần kinh liên quan đến tiểu đường chỉ sau 10 tuần tập thể dục. Vận động còn cải thiện sức khỏe, chức năng thần kinh.
Tăng cường sức khỏe khớp: Đau khớp liên quan đến bệnh tiểu đường, cứng vai gây hạn chế vận động. Người bệnh có thể giảm đau khớp, cải thiện chức năng vận động khi tập thể dục.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, người tiểu đường nên dành ít nhất 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần, ít nhất 30 phút một ngày. Đối với bài tập cường độ cao, thời gian luyện tập có thể ngắn hơn, khoảng 75 phút mỗi tuần.