Người ung thư phổi đang điều trị phải ăn đủ calo, giàu protein để giữ năng lượng và ngăn giảm cân, tăng sức đề kháng trong quá trình điều trị.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư phổi và phương pháp điều trị như hóa trị có thể dẫn đến giảm cân. Người bệnh cố gắng chọn thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất cho các bữa ăn cân bằng. Protein rất quan trọng đối với người mắc bệnh ung thư vì tình trạng mất cơ, giảm cân là phổ biến, nhất là giai đoạn cuối.
Người ung thư phổi đang điều trị phải ăn đủ calo để giữ năng lượng và ngăn ngừa giảm cân. Bổ sung nhiều trái cây, rau quả và các thực phẩm lành mạnh khác giúp tăng cường calo, giảm nguy cơ tái phát ung thư phổi và bệnh mạn tính khác.
Thuốc hóa trị là loại thuốc mạnh tiêu diệt tế bào ung thư có thể gây ra các tác dụng phụ như: buồn nôn và nôn, tiêu chảy, táo bón, ăn mất ngon, thay đổi về mùi và vị, lở miệng. Ăn và tránh một số loại thực phẩm có thể giúp giảm các tác dụng phụ này.
Nếu buồn nôn và nôn, người bệnh nên ăn thức ăn nhạt như bánh mì nướng, bánh quy giòn và cơm. Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn thay vì ba bữa lớn. Ăn thức ăn nguội, tránh đồ nóng để giảm nôn.
Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên ăn thực phẩm có chứa muối như bánh quy hoặc nước dùng để bổ sung lượng natri bị mất. Uống một cốc nước hoặc đồ uống thể thao sau mỗi lần đi tiêu lỏng. Nên ăn cơm, chuối và bánh mì nướng cho đến khi bệnh tiêu chảy thuyên giảm. Tránh sữa, thức ăn nhiều chất béo và dầu mỡ, đồ ngọt vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Hạn chế thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tươi, trừ khi bác sĩ chỉ định.
Người bệnh ung thư bị táo bón nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì, rau tươi, trái cây tươi, nước ép trái cây và trái cây sấy khô như mận, mơ. Uống nhiều nước lọc và nước ép trái cây tiệt trùng. Đồ uống ấm như trà hoặc cà phê giúp giảm táo bón. Hạn chế các loại thực phẩm làm nặng hơn tình trạng này như phô mai, thực phẩm chế biến sẵn.
Khi bị mất cảm giác ngon miệng, bệnh nhân nên thường xuyên ăn nhiều bữa nhỏ và đồ ăn nhẹ thay vì ba bữa lớn. Tăng lượng thực phẩm nhiều calo, giàu protein như bơ đậu phộng, thịt gà, trứng luộc chín, các loại hạt, uống thực phẩm bổ sung protein.
Nếu bị thay đổi hương vị và mùi, người bệnh hãy ăn thức ăn nguội hoặc ở nhiệt độ phòng; làm lạnh trái cây trước khi ăn. Trộn một thìa cà phê muối, một thìa cà phê baking soda vào 4 cốc nước và súc miệng trước khi ăn để giúp thức ăn ngon hơn. Dùng dụng cụ (thìa, dao, nĩa...) bằng nhựa thay vì bằng kim loại.
Người bị lở miệng nên hỏi bác sĩ có thể uống thuốc trước ăn không để giảm đau miệng. Ăn đồ mềm như bột yến mạch, sốt táo, các loại đồ lạnh như sữa chua hoặc đá bào. Tránh thức ăn cay hoặc mặn, có tính axit như cam, chanh hoặc cà chua.
Người bệnh cần tránh tiêu thụ rượu bia, vì đồ uống này có thể tương tác với các loại thuốc ung thư, uống rượu còn làm tăng nguy cơ tái phát và tử vong đối với người ung thư. Hạn chế đồ uống có đường giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thực phẩm chế biến sẵn và ngũ cốc tinh chế vì loại này làm tăng nguy cơ ung thư. Mỗi người có nhu cầu khác nhau, vì vậy người bệnh nên hỏi bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi và gây ra khoảng 80% số ca tử vong do ung thư này. Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả cũng giúp chống ung thư, nhất là ở người hút thuốc. Người ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và trái cây ít có khả năng mắc ung thư phổi hơn người ăn ít thực phẩm này. Các chất dinh dưỡng như beta carotene và vitamin A có trong các loại thực phẩm như khoai lang, cà rốt và dưa hấu có thể giảm nguy cơ ung thư phổi.
Thay thế thịt đỏ và các thực phẩm giàu chất béo bão hòa khác bằng chất béo không bão hòa như dầu ô liu, các loại hạt và bơ giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở người hút thuốc. Các nghiên cứu cũng cho thấy, có lượng vitamin D cao trong máu có thể bảo vệ chống ung thư phổi. Tuy nhiên, bổ sung vitamin D là cần thiết nếu bạn có lượng vitamin D thấp. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên có thể ngăn ngừa ung thư.
|
|