Đồng forint của Hungary tăng 10% so với USD trong năm nay, đồng koruna của Séc, zloty của Ba Lan và đồng leu của Romania cũng vậy. Điều gì đã thúc đẩy sức mạnh của các đồng tiền ở Đông Âu và liệu xu hướng này có kéo dài?
Đồng zloty của Ba Lan đã tăng lên mức cao nhất 10 tháng so với cả euro và USD vào cuối tháng 4. Ảnh: DW
Đồng koruna của Séc đã đạt mức cao nhất trong 14 năm và đồng forint của Hungary lập kỷ lục cao nhất 10 tháng vào đầu năm nay, nhờ được thúc đẩy bởi lãi suất cao, giá năng lượng giảm và một đồng euro mạnh. Đồng zloty của Ba Lan và đồng leu của Romania cũng tăng giá dù hoạt động kinh tế bị thu hẹp.
Các nhà quan sát đã lý giải làm thế nào điều này lại xảy ra và có thể kéo dài bao lâu.
Các đồng tiền ở Trung và Đông Âu (CEE) - ngoại trừ của Slovakia đều nằm ngoài khu vực đồng euro - được hưởng lợi trên hết từ chênh lệch lãi suất cao, được gọi là lãi suất thực - được tính bằng cách lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát. Các loại tiền tệ ở CEE hiện có vẻ hấp dẫn so với lãi suất của ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) và FED của Mỹ.
Sau khi lạm phát tăng lên mức hai con số trên khắp các quốc gia CEE vào năm ngoái, giờ đây nó dường như đã đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, lãi suất vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương không vội vàng nới lỏng chính sách cho đến khi tốc độ tăng giá được kiềm chế.
Do đó, khoảng cách ngày càng lớn giữa lạm phát và lãi suất, khiến khu vực này trở nên hấp dẫn đối với dòng vốn đang tìm kiếm một mảnh đất có lợi suất cao. Điều này diễn ra bất chấp việc tăng lãi suất ở Mỹ và khu vực đồng euro.
Vì sao các đồng nội tệ ở Trung - Đông Âu hoạt động tốt?
Piotr Arak, Giám đốc Viện Kinh tế Ba Lan (PIE), giải thích rằng theo nguyên tắc thông thường, xuất khẩu càng tăng, năng lượng rẻ hơn, dòng vốn chảy vào do lãi suất cao hơn sẽ "dẫn đến tiền tệ ổn định."
Ông Arak nói với tờ DW (Đức): “Trong những quý gần đây, đã có sự cải thiện đáng kể trong cán cân tài khoản vãng lai và xuất khẩu khi các nước trong khu vực tiếp tục tăng trưởng, trong khi giá hàng hóa giảm dẫn đến gánh nặng nhập khẩu giảm”.
Tại Ba Lan, ngân hàng trung ương vào ngày 10/5 đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6,75%, như từ tháng 9 năm ngoái, trong khi lạm phát giảm xuống 14,7% trong tháng 4 từ mức 16,1% trong tháng 3.
Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ba Lan, Adam Glapinski, cho biết ông dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống một con số vào đầu tháng 9. Điều này sẽ khiến việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra vào cuối năm với điều kiện lạm phát giảm hơn nữa.
Tuy nhiên, chuyên gia chính sách tiền tệ của ngân hàng ING Rafal Benecki nhận thấy dữ liệu tháng 3 từ nền kinh tế Ba Lan không phải là "bức tranh đẹp" về mặt này, nó cho thấy mức lãi suất cao hiện tại đang làm giảm nhiệt nền kinh tế.
Lạm phát nhìn chung vẫn không thay đổi, điều này cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển chi phí cao hơn sang giá cả và việc giảm lạm phát chủ yếu là do cú sốc năng lượng giảm bớt và áp lực giảm giá lương thực.
ING kỳ vọng ngân hàng trung ương Ba Lan sẽ giữ nguyên lãi suất vào cuối năm nay và việc cắt giảm có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2024, có nghĩa là phạm vi ngắn hạn để đồng zloty tăng giá thêm có thể đã "gần như cạn kiệt".
Trong khi đó, kể từ đầu năm nay, đồng forint của Hungary đã mạnh lên 6,6% so với đồng euro và tăng 9,3% so với USD. Ngân hàng Quốc gia Hungary (NBH) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 13% kể từ tháng 10/2022.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích tin rằng Hungary có thể chứng kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào cuối năm nay vì nền kinh tế của nước này đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong 3 quý liên tiếp.
ING dự đoán nền kinh tế Hungary sẽ đi lên trong quý 2/2023, với mức tăng trưởng GDP cả năm là 0,7%. Mặc dù tăng trưởng ít ỏi, cán cân thương mại đã được hưởng lợi từ giá năng lượng thấp hơn, điều này cũng hỗ trợ đồng tiền quốc gia.
Trong khi đó, tại Romania, ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 7% vào tháng 4. Các nhà kinh tế kỳ vọng lãi suất sẽ giữ nguyên trong cả năm 2023. Nền kinh tế Romania đã cho thấy khả năng phục hồi tương đối so với các nước Trung Âu khác.
Cũng như ở các nơi khác trong khu vực, lạm phát ở Romania khá cao và ngân hàng trung ương đã dự báo mức 7% vào tháng 12. Do đó, việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ không xảy ra.
Tại Séc, đồng koruna vẫn mạnh mặc dù nó đã giảm vào giữa tháng 4 từ mức cao nhất trong 15 năm so với đồng euro. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Séc tăng 0,1% theo quý trong quý 1, kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, nhờ thương mại được thúc đẩy.
Các mối đe dọa
Chuyên gia Piotr Arak của PIE tin rằng phần lớn sự tăng trưởng giá trị của các loại tiền tệ ở CEE phụ thuộc vào lộ trình lạm phát, vốn được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn so với ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
"Điều này có thể dẫn đến sự suy yếu của sức mua. Ngoài ra, suy thoái kinh tế có thể dẫn đến đầu tư nước ngoài thấp hơn và thâm hụt chính phủ cao hơn. Cả hai yếu tố đều sẽ tiêu cực", ông Arak nói.
Các phân tích của PIE dự đoán, sự mạnh lên hiện tại của đồng zloty và các loại tiền tệ CEE khác sẽ không kéo dài. "Những dự báo dài hạn của chúng tôi cho thấy rằng những đồng tiền này có thể sẽ mất giá. Nhưng có thể có sự khác biệt giữa các quốc gia."
Tuy nhiên, phủ bóng lên triển vọng đối với các nền kinh tế quốc gia vào lúc này là viễn cảnh suy thoái kinh tế ở Mỹ, và điều này cũng sẽ khiến các đồng tiền CEE gặp khó khăn. Tương tự, sự bất ổn vẫn còn cao về sức khỏe của hệ thống ngân hàng toàn cầu sau một số vụ sụp đổ gần đây. Bất kỳ căng thẳng nào cũng có thể dẫn đến sự suy yếu của dòng vốn chảy vào, đặc biệt là vào các thị trường mới nổi như các nước CEE.
VietBF@Sưu tầm