Các hình ảnh mới chụp bề mặt Mặt Trời tiết lộ các vết đen và một số cấu trúc khác với mức độ chi tiết nhất từ trước đến nay, CNN đưa tin hôm 25/5.
Một trong những hình ảnh vết đen Mặt Trời được công bố. Ảnh: Trung tâm Quan sát Mặt Trời Quốc gia Mỹ.
Tám bức ảnh - được Trung tâm Quan sát Mặt Trời Quốc gia Mỹ (NSO) công bố hôm 19/5 - được chụp bằng kính viễn vọng Mặt Trời Daniel K. Inouye tại đảo Maui, Hawaii, Mỹ.
Dù Mặt Trời đang có xu hướng hoạt động ngày càng mạnh - với điểm cực đại là tháng 7/2025 - các bức ảnh cho thấy khía cạnh khác yên bình hơn của bề mặt Mặt Trời.
Các bức ảnh chụp vết đen Mặt Trời cho thấy dòng plasma nóng sáng chảy lên bề mặt, trong khi các dòng plasma tối hơn, lạnh hơn dịch chuyển xuống dưới. Tại sắc quyển - lớp khí quyển nằm bên trên của Mặt Trời - những cấu trúc dạng sợi cho thấy nơi đây tồn tại trường điện từ.
Một bức ảnh khác cho thấy một vết đen đã mất đi gần hết vùng bóng mờ bao bọc xung quanh. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là giai đoạn cuối trong “vòng đời” của một vết đen trước khi biến mất.
Các nhà nghiên cứu còn chụp được cả các “cây cầu ánh sáng” - cấu trúc bắc qua các điểm tối nhất trong vết đen Mặt Trời. Các “cây cầu” phức tạp này có hình dạng khác nhau. Giới khoa học nhận định đây là dấu hiệu cho thấy các vết đen sắp dần mất đi.
Kính viễn vọng Inouye được coi là kính thiên văn lớn nhất và mạnh nhất được đặt trên bề mặt Trái Đất. Các nhà khoa học kỳ vọng sản phẩm này sẽ giúp họ trả lời các câu hỏi về Mặt Trời - bao gồm nguồn gốc của bão Mặt Trời hay giải mã sự phức tạp của trường điện từ bao quanh thiên thể này.