Trong "Fast & Furious 9", khán giả sốc vì cảnh ôtô gắn động cơ tên lửa, lao vút lên vũ trụ.
* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Hôm 24/5, Fast X - phần 10 của chuỗi phim Fast & Furious - thu về gần 330 triệu USD sau 5 ngày ra mắt rạp trong nước, mở màn cao thứ hai từ đầu năm đến nay (sau phim hoạt hình Super Mario Bros - 377 triệu USD). Hơn 20 năm ra đời, series là tác phẩm được hàng triệu khán giả chờ đợi chiêm ngưỡng dàn xế "độ" hầm hố, các anh tài với những pha đua xe nghẹt thở.
Dù gây sốt, thương hiệu bom tấn bị giới chuyên môn chê kịch bản phi lý. Fast X nhận số điểm 54% - mức đánh giá trung bình trên chuyên trang Rotten Tomatoes - từ 245 bài viết của các cây bút phê bình. Ngay trong cảnh mở màn, phim đã bị chê đầy tính hư cấu khi xe hơi của nhân vật Dominic (Vin Diesel) phi như bay trên đường phố Rio (Brazil) dù phải kéo lê hầm sắt đựng tiền.
Về sau, các phân đoạn kịch tính gia tăng ở quy mô dàn dựng, kèm theo đó là nhiều pha phi thực tế. Tại Rome, nhóm của Dominic phải ngăn chặn một quả bom hẹn giờ khổng lồ có sức công phá cả Tòa thánh Vatican - vốn là âm mưu phá hoại của phản diện Dante Reyes (Jason Momoa). Sau khi cày nát đường phố, quả bom phát nổ dưới nước. Dù dư chấn vụ nổ thổi bay hàng chục chiếc xe hơi, bản tin truyền hình cho biết "không có thương vong nào".
Ở hồi cuối, khi Dominic và con trai tám tuổi đối đầu với Dante Reyes, màn cao trào được đẩy lên đỉnh điểm. Khoảnh khắc chiếc xe của Dominic bị hai trực thăng buộc dây, nhấc bổng khỏi đường, nhân vật chính vẫn có thể lèo lái để hạ gục phương tiện của đối thủ. Cảnh cuối, anh và con trai lao xe từ đỉnh dốc dựng đứng của con đập, phía sau là bão lửa đuổi theo. Theo tờ Independent, kịch bản Fast X ngày càng "trở nên điên rồ" khi "viết lại định luật vạn vật hấp dẫn lẫn sinh lý học". Trang Screen Rant nhận xét tác phẩm "xô đổ mọi giới hạn mà một chiếc xe có thể làm được".
Xem Fast X, nhà phê bình điện ảnh người Mỹ Chris Stuckmann đánh giá tác phẩm có những tình huống hư cấu quá mức khiến không thể nhịn cười, chẳng hạn cảnh Dominic điều khiển xe, giằng co với trực thăng. "Tôi sẽ không nói các bạn phải tạm 'cất não' khi xem phim, vì điều đó là không thể. Bộ phim này nhìn chung tốt hơn phần chín, nhưng vẫn hoàn toàn ngớ ngẩn và phi lý", Stuckmann nói trên kênh YouTube hơn hai triệu người theo dõi.
Vin Diesel (phải) - linh hồn của series "Fast & Furious" cùng bạn diễn - cố tài tử Paul Walker. Ảnh: Universal Pictures
Chuyện bị chê kịch bản vốn không phải điều mới với series Fast & Furious. Trang Collider đánh giá, với bốn phần đầu, series đơn thuần là phim hành động, công thức tương đồng với nhiều phim Hollywood khác - những nhân vật có vẻ ngoài thu hút cùng dàn siêu xe bóng loáng. Từ phần 5 trở đi, tác phẩm dần đi sâu vào những tình tiết đậm chất giả tưởng.
Ở Fast 7 - ra mắt năm 2015, một trong những cảnh gây tranh cãi là phân đoạn xe hơi bay xuyên qua hai tòa cao ốc ở Abu Dhabi. Trong phân cảnh này, nhân vật của Vin Diesel lái một chiếc xe thể thao màu đỏ, phóng từ tầng lầu tòa nhà này sang tòa nhà khác, nơi tiệc đông quan khách đang diễn ra. Anh bị văng ra khỏi xe, bám víu vào gờ vực nhà chọc trời.
Cảnh xe hơi được thả xuống từ máy bay cũng bị nhiều nhà phê bình đánh giá là ngông cuồng, gây sốc. Đạo diễn James Wan khi đó thừa nhận tác phẩm có nhiều tình huống điên rồ, đúng theo lời giới thiệu của phim - "Hơn cả nhanh, là cuồng nộ". Dự án trở thành phần phim thành công nhất trong series, đạt hơn 1,5 tỷ USD trên toàn cầu.
Khi Fast 9 phát hành năm 2021, sự hư cấu được đẩy lên tầm cao mới, với phân cảnh xe hơi bay vào vũ trụ. Đội của Dominic Toretto (Vin Diesel đóng) chế tạo một ôtô gắn động cơ tên lửa. Tej và Roman mặc đồ phi hành gia và lái chiếc xe phóng vào không trung từ một máy bay. Vin Diesel - diễn viên chính và đồng sản xuất phim - cho biết ban đầu không tin nổi khi nghe đạo diễn Justin Lin trình bày ý tưởng.
Phân đoạn khiến nhiều trang phê bình và một bộ phận khán giả chê cười. "Câu thoại hài hước nhất phim là 'Hãy tuân theo các nguyên tắc vật lý và mọi thứ sẽ ổn thôi'", bình luận của khán giả LamboDude54 nhận hơn 2.000 lượt thích trên YouTube.
Dù đánh giá series ngày càng mắc nhiều lỗ hổng kịch bản, giới chuyên môn thừa nhận những cảnh hành động hoang đường là yếu tố chính giúp phim thành công. Cây bút Shaw Van Horn của Collider cho rằng: "Nhiều người mỉa mai vì tác phẩm đậm tính phi thực tế, song nếu các phim siêu anh hùng làm được, tại sao Fast & Furious lại không thể. Điều quan trọng là họ biết họ đang làm gì".
Nhà phê bình Chris Stuckmann nói khi xem Fast X trong rạp, anh chứng kiến nhiều người phấn khích, vỗ tay theo từng cảnh hành động. "Tôi hiểu được vì sao tác phẩm vẫn thành công sau hơn 20 năm ra mắt với 10 phần phim. Có những khán giả không quan tâm đến lời chế nhạo phim, họ muốn đến rạp và thư giãn", anh nói.
Ra đời năm 2001, Fast & Furious trở thành loạt bom tấn hái ra tiền bậc nhất Hollywood hiện nay mà không dựa trên truyện tranh sẵn có. Loạt phim hiện thu hơn 6 tỷ USD, thuộc thể loại hành động, xoay quanh chủ đề đua xe đường phố, tội phạm. Thương hiệu dự kiến kết thúc sau phần 11 vào năm 2025.