Cải xoăn, cà chua, đậu, sữa chua… chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa, góp phần ổn định lượng đường trong máu.
Chế độ ăn dựa trên thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và protein có lợi cho người bệnh tiểu đường. Dưới đây là 10 thực phẩm có chứa nhiều loại vitamin hỗ trợ kiểm soát bệnh này.
Rau lá xanh
Theo của nghiên cứu Đại học Leicester (Anh), ăn rau bina và cải xoăn mỗi ngày có thể giảm 14% nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Các loại rau lá xanh chứa chất chống oxy hóa, vitamin A và C có tác dụng chống lại bệnh tật. Rau lá xanh cũng ít calo và carbohydrate, phù hợp cho người bệnh tiểu đường type 2.
Bông cải xanh
Rau này chứa nhiều vitamin A và C, hỗ trợ chống lại bệnh tiểu đường. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một chén bông cải xanh nấu chín cung cấp gần 94 mcg vitamin A, 73 mg vitamin C và gần 6 g chất xơ. Ăn bông cải xanh hàng ngày có thể giảm cân và kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.
Cà chua
Cà chua có lợi cho người bệnh tiểu đường vì chứa nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa có thể chống lại bệnh này. Cà chua cũng có thể làm giảm huyết áp và cholesterol xấu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim - một biến chứng ở người tiểu đường.
Cà chua chứa nhiều vitamin C. Ảnh: Freepik
Khoai lang
Khoai lang giàu vitamin và chất xơ, khi luộc chín có chỉ số đường huyết (GI) thấp, không làm tăng lượng đường trong máu nhiều như các loại rau củ chứa tinh bột khác. Vitamin trong khoai lang cũng có tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2.
Các loại đậu
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu lăng, đậu gà...) rất giàu vitamin B, chất xơ và các axit amin (hợp chất cấu thành protein). Chúng được tiêu hóa chậm, giúp đường hấp thụ chậm vào máu, kiểm soát đường huyết. Chất xơ trong đậu có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường type 2, béo phì, đột quỵ, bệnh tim và một số bệnh ung thư. 1/4 cốc đậu cung cấp lượng protein tương đương với 28 g protein thịt. Người bệnh có thể ăn đậu thay thế thịt, có lợi cho việc kiểm soát đường huyết và sức khỏe tổng thể.
Nghiên cứu của Đại học Toronto (Canada) cũng chỉ ra, đậu là nguồn cung cấp magie và kali dồi dào, hai khoáng chất đóng vai trò thúc đẩy sức khỏe tim mạch và giúp điều chỉnh huyết áp. Ăn đậu xanh và đậu lăng mỗi ngày có thể cải thiện kiểm soát đường huyết, giảm huyết áp và mức cholesterol ở người tiểu đường.
Các loại hạt
Các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó, hồ đào, hạt dẻ cười...) giàu vitamin E, chất xơ và protein, chất béo không bão hòa góp phần tạo ra cholesterol tốt (HDL), có lợi cho sức khỏe tim mạch và ổn định đường huyết.
Theo nghiên cứu của Đại học Toronto, ăn hai khẩu phần hạt mỗi ngày giúp giảm cholesterol xấu (LDL), ổn định lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường type 2 và cải thiện hội chứng chuyển hóa. Một khẩu phần tương đương 28 g hoặc 35 hạt đậu phộng, 24 hạt hạnh nhân, 7 quả óc chó hoặc 18 hạt điều...
Việt quất
Quả việt quất có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, vitamin và chất xơ có lợi cho người bệnh hoặc có nguy cơ tiểu đường type 2. Vitamin C trong việt quất hoạt động như chống oxy hóa có thể chống lại bệnh tật.
Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ) phát hiện ra rằng, việt quất và các loại trái cây giàu chất chống oxy hóa có thể làm giảm lượng đường trong máu, kiểm soát thèm ăn đường. Ăn 3 lần quả việt quất mỗi tuần có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Quả bơ
Trái cây này có hàm lượng vitamin (C, B, E), chất xơ, kali và lutein cao có tác dụng giảm viêm nhiễm. Tình trạng này góp phần gây ra bệnh mạn tính như tiểu đường. Bơ cũng giàu chất béo không bão hòa đơn giúp giảm cholesterol, ổn định huyết áp, tốt cho tim mạch của người bệnh tiểu đường type 2. Ăn 50 g bơ mỗi ngày (80 calo, 6 g chất béo lành mạnh cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất) hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Sữa chua
Sữa chua chứa vitamin A, B; cung cấp canxi; protein và magiê góp phần ngăn béo phì, bệnh tim mạch, có lợi cho người bệnh tiểu đường. Men vi sinh trong sữa chua tốt cho sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch.
Cá béo
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ... rất giàu axit béo omega-3 và vitamin A giúp giảm chất béo trong máu, tăng cường sức khỏe tim mạch. Ăn cá hai lần một tuần có thể bảo vệ người bệnh tiểu đường khỏi các vấn đề về thận. Cá là thực phẩm thân thiện với người bệnh tiểu đường. Người bệnh nên ăn cá hấp, nướng thay vì các món chiên.
VietBF@sưu tập