Người bị rụng tóc từng mảng tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ nếu có các vấn đề liên quan đến bệnh tự miễn, rối loạn tuyến giáp.
Người mắc chứng rụng tóc từng mảng thường có liên quan các bệnh dị ứng, bệnh tự miễn hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm ruột và vẩy nến. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính của các bệnh này làm gia tăng căng thẳng oxy hóa - yếu tố thúc đẩy quá trình xơ cứng khớp, tai biến mạch máu não. Tự miễn dịch là những rối loạn làm hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính cơ thể. Sự tự tấn công này có thể tấn công các nang tóc và tạo ra chứng rụng tóc từng mảng hoặc gây ra sự kết dính của các tế bào máu, hình thành cục máu đông, viêm mạch máu trong não dẫn đến đột quỵ.
Bệnh nhân mắc rụng tóc từng mảng có tỷ lệ rối loạn chức năng tuyến giáp cao hơn. Viêm tuyến giáp, suy giáp và cường giáp có thể làm thay đổi tình trạng đông máu và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người bị rụng tóc từng mảng cũng có tỷ lệ mắc bệnh mỡ máu và dị tật tim bẩm sinh cao hơn bình thường. Điều này có thể khiến những bệnh nhân này có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn.
Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến người bệnh căng thẳng tâm lý, trầm cảm và lo lắng, tác động bất lợi đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần làm tăng khả năng bệnh tim mạch và đột quỵ.
Theo nghiên cứu năm 2015 của Bệnh viện Đại học Y khoa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), rụng tóc từng mảng là dấu hiệu cho thấy nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 3.200 bệnh nhân mắc chứng rụng tóc từng mảng trong 3 năm, kết quả cho thấy có 5,4 % người mắc đột quỵ trong thời gian theo dõi. Khả năng xảy ra đột quỵ ở người mắc chứng rụng tóc từng mảng cũng cao gần gấp đôi so với người không mắc bệnh này.
Rụng tóc từng mảng có thể do mắc bệnh tự miễn, bệnh tuyến giáp. Ảnh: Freepik
Rụng tóc từng mảng khác và ít phổ biến hơn nhiều so với các kiểu rụng tóc thông thường. Dấu hiệu nhận biết là những vùng hói và rụng tóc không đều. Tình trạng này xảy ra ở những khu vực tập trung nhất định, tạo ra những mảng hói đột ngột và có thể xuất hiện ở độ tuổi 20, kéo dài trong suốt cuộc đời. Thông thường, tóc mọc lại những chỗ hói này nhưng có kết cấu hơi khác với tóc xung quanh.
Rụng tóc từng mảng hoàn toàn không giống chứng hói đầu thông thường hay đường chân tóc bị tụt ở một số nam giới khi bước vào tuổi trung niên. Chứng hói đầu ở nam giới thường diễn ra từ từ và gây ra một vùng tóc mỏng hình tròn ở đỉnh đầu hoặc đường chân tóc lõm ở trán. Tóc của phụ nữ cũng mỏng đi (rụng và gãy thông thường) khi sang tuổi 30, sau sinh hoặc do căng thẳng nhưng thường xảy ra dần dần và phân bổ khắp đầu, không phải từng mảng. Các tình trạng rụng tóc thông thường này không liên quan nguy cơ đột quỵ.
Bạn nên kiểm tra các yếu tố có thể làm tăng khả năng đột quỵ gồm tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và cholesterol cao, bệnh tự miễn, bệnh tuyến giáp. Điều trị các bệnh lý này có thể kiểm soát nguy cơ đột quỵ. Giảm căng thẳng cũng có thể làm giảm khả năng đột quỵ.
VietBF@sưu tập