Khoai lang thường được người dân gọi là 'sâm đồng quê'. Đúng như vậy bởi là vị thuốc quý nhiều người chưa biết. Khoai lang là một món ăn dân dã, rẻ tiền, dễ kiếm, sẵn có ở nước ta. Hơn thế, khoai lang còn là một vị thuốc quý chữa trị nhiều bệnh.
Khoai lang không chỉ là một thực phẩm thông dụng mà còn là một vị thuốc quý. Ảnh: SKĐS.
Cây khoai lang được trồng ở nhiều nước nhiệt đới để lấy củ ăn thay gạo. Củ chứa 24,6% tinh bột, 4,17% glucoza.
Khi còn tươi chứa 1,3% protein, 0,1% chất béo, các diattaza, tro có mangan, canxi, đồng, các vitamin A, B, C, 4,24% tanin, 1,375 pentozan.
Khi đã phơi khô (chỗ mát) khoai lang chứa inozit, gôm, dextrin, acid clorogenic, phytosterol, carotin, adenin, betain, cholin.
Theo Đông y, củ và lá khoai đều có vị ngọt tính bình, không độc; tác dụng bổ tỳ, ích thận, nhuận tràng, tiêu viêm, lợi gan mật, sáng mắt; trị táo bón, trĩ, tiêu khát, nhức mỏi cơ khớp, trẻ em cam tích...
Theo sách Tuệ Tĩnh, khoai lang (cam thự) đều có vị ngọt tính bình, không độc; tác dụng bổ ích lao thương, mạnh tỳ thận; công dụng như vị hoài sơn (bổ tim, nuôi thận, bồi tỳ vị ích khí, mạnh gân lớn xương).
Rau khoai lang chữa táo bón, tốt cho người đái tháo đường. Ảnh: SKĐS.
Món ăn, bài thuốc có khoai lang
ThS.BS Nguyễn Quang Dương, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, giới thiệu một số món ăn, bài thuốc có khoai lang như sau:
- Nhuận tràng: Củ khoai rửa sạch, gọt bỏ vỏ, xay giã nhỏ, thêm ít nước sôi, khuấy đều. Uống 1 bát vào buổi sáng.
Tác dụng: Chữa táo bón. Dùng 3-7 ngày đến khi hết táo bón.
Hoặc dùng 100-150 g lá tươi luộc ăn hàng ngày.
- Trị phụ nữ băng huyết: Lá khoai lang tươi 100-150 g, giã nát, cho ít nước sôi, ép nước uống trị phụ nữ băng huyết thể huyết nhiệt nhập bào cung.
- Chữa đái tháo đường: Lá khoai lang tươi 15 0g, bí đao 50 g. Lá khoai rửa sạch, bí đao gọt vỏ, thái miếng. Nấu canh ăn trong ngày.
- Cháo kê khoai lang: Khoai lang 60 g, kê 50 g. Khoai lang gọt vỏ thái lát; kê xay bỏ vỏ; nấu cháo. Ăn bữa sáng. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, tỳ vị hư nhược.
- Cháo gạo khoai lang: Khoai lang đỏ (tươi) 200 g, gạo tẻ 100 g. Khoai rửa sạch, gọt vỏ, thái miếng. Nấu với gạo thành cháo, thêm đường trắng đảo đều. Dùng cho bệnh nhân quáng gà thị lực giảm.
- Khoai lang nấu canh: Khoai lang vàng (kim thự) 100-150 g. Rửa sạch, thái miếng. Nấu canh hoặc thêm 50 g gạo tẻ, nấu cháo. Dùng tốt cho người bệnh viêm gan vàng da sốt nóng.
Lưu ý khi dùng khoai lang
Người bệnh thận ăn nhiều khoai lang dễ mắc thêm chứng bệnh tim mạch. Nguyên nhân là là khoai lang chứa nhiều chất xơ, vitamin A, đặc biệt là kali. Khi thận yếu, chức năng loại bỏ kali dư thừa cũng bị hạn chế, gây ra những tác hại như rối loạn nhịp tim, do đó bệnh nhân suy thận không ăn.
Người có hệ tiêu hóa như đại tràng kích thích không nên ăn nhiều khoai lang vì dễ gây đi ngoài.
VietBF@ sưu tập