Những giải thích và khuyến cáo của các chuyên gia sẽ là lời cảnh tỉnh để người dùng thay đổi thói quen sử dụng nồi, chảo chống dính của mình.
Hiện nay trong nhà bếp mỗi gia đình, toàn bộ phần nồi, chảo được sử dụng sẽ thường sẽ là các loại nồi, chảo chống dính. Hiểu đơn giản, các loại nồi, chảo này sẽ được phủ một lớp chống dính, tên là Teflon, hay còn được gọi là polytetrafluoroethyl ene hoặc PTFE.
Lớp chống dính bao phủ trên bề mặt lòng nồi, chảo, tạo ra lớp trơn tuột như sáp, từ đó giúp ích trong việc nấu ăn, thực phẩm không bị dính, sát xuống đáy vật dụng, từ đó công việc vệ sinh, lau chùi cũng dễ dàng hơn.
Nồi, chảo chống dính được ưa chuộng sử dụng trong hầu hết mọi gia đình. (Ảnh minh họa)
Dù có công dụng hữu ích như vậy nhưng việc sử dụng nồi, chảo chống dính vẫn cần những lưu ý quan trọng, bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là: Khi chảo chống dính xuất hiện những vết xước, ta có tiếp tục sử dụng được tiếp không?
Để làm sáng tỏ thắc mắc của nhiều người dùng, các chuyên gia hay cả những nhà khoa học, đến từ các trường Đại học danh tiếng đã nhiều năm tiến hành nghiên cứu, nhằm tìm ra đáp án cuối cùng.
Theo thông tin trên Sciencealert, các nhà khoa học từ Đại học Newcastle và Đại học Flinders, Australia, đã dùng những chiếc chảo chống dính mới với chảo dùng hai năm, cùng dụng cụ nấu nướng bằng inox và gỗ, để đo lường mức độ hạt nhựa có khả năng phát tán trong quá trình nấu ăn.
Kết quả được công bố trên tạp chí Science of The Total Environment cho thấy, chỉ một vết xước nhỏ trên nồi, chảo chống dính có thể giải phóng khoảng 9100 hạt nhựa trong quá trình nấu nướng. Khi lớp chống dính bị xước, dù cho kích thước vết xước chỉ từ vài milimet, nó cũng có thể giải phóng 2,3 triệu hạt vi nhựa, nhựa nano, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập vào thức ăn của con người.
Cheng Fang, một nhà khoa học tại Đại học Newcastle, Úc cũng cho biết thêm: "Những vi hạt được giải phóng ra từ lớp chống dính Teflon có thể là mối lo ngại cho sức khỏe."
Chính vì vậy, tốt hơn hết khi thấy chảo chống dính nhà mình xuất hiện những vết xước, cho dù rất nhỏ, ở khu vực đáy chảo hay lòng chảo, người dùng không nên tiếc rẻ mà tiếp tục sử dụng. Thay vào đó hãy thay thế bằng những chiếc nồi, chảo mới.
Wirecutter - chuyên trang về đồ gia dụng, đồ nhà bếp của tờ NY Times cũng khuyên người dùng rằng, nồi, chảo chống dính nhà bạn sẽ có thể bị xuống cấp, đặc biệt là lớp phủ chống dính, và chúng cần được thay thế khoảng 3 - 5 năm 1 lần, với các loại chất lượng tốt.
Ngoài ra, chuyên trang cũng đưa ra thêm những phương pháp giúp sử dụng nồi, chảo chống dính được bền hơn, hạn chế tối đa tình trạng xuất hiện các vết xước.
Đầu tiên khi mua về, người dùng có thể rửa qua nồi, chảo chống dính với nước rửa bát một lần để làm sạch lớp bụi bẩn bám trên bề mặt dụng cụ. Nếu nhà có sẵn bột cà phê, có thể đem hâm nóng chảo với một lượng vừa phải, rồi rửa lại bằng nước sạch. Cách làm này không chỉ giúp nồi, chảo được sạch sẽ, mà còn giúp khử mùi hôi, khó chịu của lớp sơn chống dính cực hiệu quả.
Khi dùng để nấu ăn, cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Đổ dầu vào chảo trước đó sau đó mới đặt lên bếp, bởi nếu đợi chảo nóng rồi mới cho dầu vào, thì sẽ dễ làm bong lớp chống dính.
- Không tác động nhiệt độ quá cao vào nồi, chảo chống dính: Nấu ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình; không cho vào máy rửa bát, không cho vào lò nướng.
- Hạn chế sử dụng các loại thìa, dĩa, dụng cụ bằng kim loại sắc nhọn để tác động vào lòng, đáy nồi, chảo chống dính. Thay vào đó, sử dụng các dụng cụ bằng gỗ, đầu bằng.
- Không nên nêm gia vị trực tiếp trên nồi, chảo chống dính bởi điều này có thể khiến lớp chống dính bị rỗ lên nhanh chóng, dẫn đến bong tróc, trầy xước.
Cuối cùng là ở công đoạn vệ sinh. Sau khi đã hoàn thành công việc nấu nướng với nồi, chảo chống dính, hãy đợi chảo nguội rồi hẵng cọ rửa. Tuy nhiên, cũng không nên ngâm chảo quá lâu, tránh để cặn thức ăn bám chắc vào chảo, gây khó vệ sinh. Khi nồi, chảo nguội, hãy dùng khăn vải hoặc miếng bọt biển mềm để vệ sinh, thay vì dùng những miếng kim loại hay bàn chải, có thể gây trầy xước, bong tróc lớp chống dính.
Đợi chảo khô, cất lại vào, phân loại riêng các loại dụng cụ, sao cho nồi, chảo chống dính không nên xếp chồng lên lẫn nhau. Có thể trang bị các giá treo trên cao riêng biệt để bảo quản một cách tốt nhất.
Trên thực tế, bên cạnh nồi, chảo nhôm, inox chống dính, người dùng cũng có thể lựa chọn các loại khác, không có lớp chống dính, song vẫn đảm bảo phục vụ công việc nấu nướng ngon miệng, an toàn với sức khỏe. Có thể kể tới như nồi, chảo thủy tinh hay nồi, chảo gang. Gia đình có thể cân nhắc sử dụng thay phiên các loại dụng cụ, phù hợp với các loại món ăn khác nhau. Ví dụ như chiên, xào, kho thì dùng nồi, chảo gang, rán thì dùng nồi, chảo chống dính, nướng thì lò nướng hoặc nồi chiên không dầu, luộc thì dùng nồi thủy tinh…
VietBF @ Sưu tầm