Người đàn ông đã cùng mẹ của mình đi du lịch Philippines qua lời mời của một người bạn. Chuyến du lịch đó khiến anh nhận ra, ở đất nước này có rất nhiều trẻ em khó khăn, đi nhặt rác, không được đi học, thậm chí bị lạm dụng tình dục. Trong đầu anh lập tức nảy ra ý tưởng lập quỹ để hỗ trợ những trẻ em nghèo ở đây.
Anh mang tinh thần đó về nước, nói với bạn bè về kế hoạch của mình nhưng tất cả đều không đồng tình, còn cho đó là ý tưởng không khả quan.
Tuổi thơ lớn lên bên mẹ, không có tình cảm của bố khiến Thomas Kellenberger cảm nhận sâu sắc hơn ai hết hoàn cảnh của những em nhỏ thiếu thốn tình cảm. May mắn anh luôn có mẹ ở bên cổ vũ, động viên anh thực hiện kế hoạch.
Hai mẹ con trở thành những thành viên sáng lập đầu tiên của tổ chức Island Kids Philippines (IKP) vào năm 2007. Những ngày tháng đó, mẹ anh luôn là người giúp anh điều hành, vận động gây quỹ.
Hơn 10 năm hoạt động, Thomas cùng các đồng nghiệp đã tạo dựng được nhiều thành tựu đáng kể: xây dựng được một ngôi làng, hai trường học cho các em học sinh và bảo trợ nhiều quyền lợi cho các em, giúp các em được đến trường.
Hành trình đi bộ 15.000km bắt đầu 2 năm trước, khi mẹ anh qua đời. Từ quê nhà Interlaken (Thụy Sĩ), ngày 25/8/2021, Thomas bắt đầu hành trình đến Philippines. Trong suốt thời gian đó, anh băng qua nhiều sa mạc, núi cao. Trước khi đến Philippines, anh dừng chân tại Việt Nam.
Thomas cho biết, anh trải qua không ít khó khăn thử thách, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhưng anh vẫn chưa từng có ý định từ bỏ.
"Hành trình của tôi trải qua nhiều thử thách về cả tâm lực và trí lực. Việc leo núi, băng qua sa mạc đòi hỏi phải có một cơ thể khỏe mạnh. Tôi bị ngộ độc thức ăn 3 lần trong suốt hành trình, nhiều lần sốt cao, tiêu chảy.... Có nhiều lúc tôi rất cô đơn. May mắn có những người địa phương cho tôi thức ăn, chỗ ngủ", Thomas nói.
Những dụng cụ thiết yếu anh mang theo chủ yếu là quần áo, áo mưa, đệm, giày cho các địa hình khác nhau, bếp nhỏ, xăng dầu để nấu ăn và đồ dùng bảo vệ sức khỏe. Đến châu Á, thời tiết không còn lạnh, anh lại bỏ bớt những chiếc áo khoác cồng kềnh.
“Nhiều bạn bè khuyên tôi không nên tham gia hành trình đi bộ vì nó rất nguy hiểm nhưng tôi vẫn không thay đổi quyết định. Trong gần 2 năm theo đuổi hành trình của mình, tôi gặp được những con người nhân văn. Điều làm tôi sợ không phải là sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà chính là tình trạng giao thông nguy hiểm ở một số nơi mình từng đi qua”, anh Thomas cho biết.
“Tôi đi bộ không phải để phá kỷ lục, để nổi tiếng mà tôi làm vì những đứa trẻ khó khăn, những con người đang mong chờ tôi. Tôi hi vọng hành trình của mình sẽ được nhiều người biết đến và biết đến việc tôi đang làm. Tôi còn mong muốn viết sách về hành trình để gây quỹ giúp các em", Thomas nói thêm.
Tình thương làm nên điều kì diệu
Nhớ lại ngày đầu gặp các em nhỏ đói khổ, nhặt rác trên đường phố và bãi rác ở Philippines, Thomas cảm thấy xúc động. Những cảnh tượng ấy khiến anh càng có thêm động lực để hỗ trợ những đứa trẻ cô đơn.
Ngay trong chuyến du lịch đầu tiên với mẹ đến Philippines, anh đã bỏ tiền của mình để hỗ trợ 4 em nhỏ. Sau lần đó, anh về nước và xin nghỉ công việc cảnh sát, bắt đầu cuộc vận động lập quỹ ở Thụy Sĩ.
Từng là một cảnh sát, sau này lại theo học ngành công tác xã hội tại Philippines, Thomas có thêm nhiều kỹ năng trong quá trình tiếp cận các trẻ em khó khăn, bị xâm hại tình dục. Sự kết hợp giữa kiến thức xã hội, tâm lý, kỹ năng điều tra giúp anh thuận lợi hơn trong công việc.
Tuy nhiên để tiếp cận các em nhỏ bị bị xâm hại là việc không hề dễ dàng. Rào cản lớn không chỉ là những người thân của nạn nhân mà còn là chính nạn nhân. Nhiều người sợ hãi, không cởi mở, không chia sẻ thậm chí giấu giếm chuyện mình từng bị xâm hại.
Với tinh thần không chỉ giúp các em về vật chất mà quan trọng nhất là cứu giúp về tinh thần, anh Thomas luôn tìm đến sự hỗ trợ của các đội ngũ chuyên gia tâm lý xã hội đầu ngành. Họ sẽ giúp gia đình và nạn nhân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ con người về tinh thần quan trọng thế nào.
“Điều quan trọng nhất vẫn là sự tình nguyện từ chính nạn nhân và người thân của họ”, anh Thomas nói.
Theo Thomas, từ năm 2007, IKP đã hỗ trợ khoảng 1.000 nạn nhân, xây dựng một làng trẻ em và hai trường học tại thành phố Cagayan de Oro (Philippines). Trong đó, số ít là những đứa trẻ bị xâm hại, đa số là các em có hoàn cảnh khó khăn, nhặt rác mưu sinh, trẻ em đường phố. Giờ đây các em đã được bảo trợ những quyền cơ bản, có xe đưa đón đến trường học.
Anh cho biết, những du khách đến Philippines cũng nhận ra sự thay đổi lớn trên đường phố. Sự xuất hiện của những đứa trẻ lang thang, nhặt rác mưu sinh đã dần ít đi.
Hành trình đi bộ 15.000km đối với anh là một hành trình hết sức ý nghĩa. Anh hi vọng có thể gây quỹ số tiền 165.000 USD để xây dựng ngôi làng thứ hai cho các em. Hiện tại, số tiền anh gây quỹ được là 92.000 USD. Anh cũng mong muốn chuyến đi của mình được nhiều người biết đến. Từ đó, sẽ có thêm các tổ chức, nhà hảo tâm đồng cảm, giúp đỡ các em nhiều hơn.
“Sau hành trình 15 năm, chúng tôi đã gieo trồng nhiều hạt giống. Tôi hi vọng các tổ chức sẽ gieo tiếp những hạt giống ấy. Hành trình của chúng tôi không chỉ dừng lại ở Philippinse. Nếu có khả năng, chúng tôi muốn làm những việc tương tự ở những đất nước khác. Nhưng đối với tôi lúc này, Philippines còn nhiều việc phải làm và tôi sẽ tiếp tục hành trình ở nơi đây”, anh chia sẻ.
Ngài Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng nhận định, hành trình đi bộ gây quỹ của anh Thomas Kellenberger là một việc làm hết sức ý nghĩa. Anh xứng đáng được gọi là "người hùng" bởi đã mang đến nguồn cảm hứng nhân đạo tốt đẹp, giúp đỡ được nhiều trẻ em khó khăn.