Thường xuyên đau bụng vùng thượng vị, cô Hoàng tự ý mua thuốc về uống. Điều trị suốt nửa năm không khỏi, bệnh nhân đi khám và 'đứng hình' khi biết sự thật.
Cô Hoàng (Trung Quốc) luôn cảm thấy đau vùng thượng vị, uống thuốc nửa năm nhưng không khỏi. Quá mệt mỏi, cô quyết định đến phòng khám của bác sĩ Lin Jinkun (nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân số 1, trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn) để kiểm tra.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện tình trạng đau bụng của cô Hoàng không phải do dạ dày mà do gan nhiễm mỡ. Theo bác sĩ, gan nhiễm mỡ là bệnh lý về gan thường gặp, ảnh hưởng đến chức năng gan. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tổn thương, tích tụ mỡ trong tế bào gan.
Đau vùng thượng vị, bệnh nhân tưởng bị đau dạ dày, tự ý uống thuốc nửa năm không khỏi.
Trên lâm sàng, gan nhiễm mỡ chủ yếu được chia thành 2 loại là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Ở đó, gan nhiễm mỡ không do rượu phổ biến hơn. Các yếu tố như di truyền, thói quen ăn uống không lành mạnh, béo phì... làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hầu hết bệnh nhân gan nhiễm mỡ nhẹ không có triệu chứng rõ ràng. Theo bác sĩ Lin, dấu hiệu ban đầu của gan nhiễm mỡ gồm cảm giác đầy bụng sau khi ăn, dễ mệt mỏi sau khi vận động, phân nặng mùi hoặc táo bón.
Gan nhiễm mỡ trung bình và nặng có biểu hiện lâm sàng tương tự viêm gan mạn tính như mệt mỏi, chán ăn, da nhờn, buồn nôn, vàng mắt, gan lách to, khó chịu vùng gan... Một số bệnh nhân sẽ cảm thấy đầy bụng, đau vùng thượng vị giống như trường hợp sức khỏe cô Hoàng, rất dễ nhầm sang bệnh lý khác.
Chế độ ăn cân đối rất quan trọng trong việc kiểm soát gan nhiễm mỡ. Ảnh minh họa.
Nhóm người suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường, mỡ máu cao, nghiện rượu, ăn nhiều đồ ngọt, dùng thuốc lâu ngày, thiếu ngủ, ít vận động... có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao.
Theo bác sĩ Lin, hầu hết trường hợp gan nhiễm mỡ nhẹ không cần điều trị bằng thuốc. Thay vào đó, bệnh nhân cần kiểm soát bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sinh hoạt. Trường hợp transaminase cao mới cần dùng thuốc để hỗ trợ kiểm soát.
Để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, nên duy trì chế độ ăn cân đối. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ và đường. Không nên ăn quá no, ăn quá nhiều làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Vận động thường xuyên giúp kiểm soát cân nặng. Đồng thời, tập luyện còn góp phần nâng cao sức đề kháng cơ thể. Điều quan trọng, hạn chế tối đa bia rượu, không tự ý sử dụng thuốc.