Những tổn thương xung quanh khu vực đĩa đệm, đốt sống, dây chằng... đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng.
Cột sống của con người gồm 33-35 đốt sống, kéo dài từ cổ, đi xuống về phía mông. Cột sống đóng vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể, bảo vệ tủy sống và các rễ thần kinh. Giữa mỗi đốt sống là đĩa đệm có hình tròn và dẹp, bên ngoài là lớp vỏ bao xơ và bên trong phần nhân nhầy dạng gel, đóng vai trò giúp giảm chấn động tới các đốt sống. Khi các bộ phận gặp vấn đề do chấn thương hoặc qua quá trình lão hóa, các cơn đau lưng có thể xuất hiện.
Đau đĩa đệm
Tình trạng một trong các đĩa đệm bị đẩy hơi lệch khỏi vị trí được gọi là phồng đĩa đệm. Nếu bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách, nhân nhầy bị trượt ra ngoài, tình trạng đó được gọi là thoát vị đĩa đệm. Cả hai tình trạng này đều có thể gây ra tình trạng đau lưng. Đĩa đệm bị phồng có thể gây ra một số khó chịu cho người bệnh, nếu không được điều trị, về lâu dài có thể diễn tiến thành thoát vị đĩa đệm và khiến cơn đau trầm trọng hơn.
Đau do thoái hóa đĩa đệm
Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm mất đi lượng nước và độ xốp do tuổi tác, khiến các đốt xương gần nhau hơn. Tình trạng này dẫn đến các tổn thương về dây thần kinh và cột sống, gây nên tình trạng đau phổ biến nhất là cột sống lưng. Trong trường hợp thoái hóa đĩa đệm xảy ra ở khu vực thắt lưng, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở hông, mông và mặt sau của chân.
Các vấn đề ở đĩa đệm do chấn thương hoặc quá trình lão hóa gây ra tình trạng đau lưng. Ảnh: freepik
Dây thần kinh bị chèn ép
Đĩa đệm bị đẩy ra khỏi vị trí thông thường có thể chèn ép vào dây thần kinh. Thông thường dây thần kinh tọa sẽ bị chèn ép và viêm, tình trạng này gây ra các cơn đau nhói gọi là đau thần kinh tọa ở lưng dưới, chân và mông.
Căng cơ và dây chằng
Tập luyện cường độ cao hoặc nâng vật nặng cũng thường xuyên gây ra tình trạng đau, đặc biệt là ở vùng lưng dưới. Các cơn đau thắt lưng là phổ biến nhất vì các cơ, dây chằng và đĩa đệm chịu áp lực lớn nhất khi ngồi hoặc nâng vật nặng.
Gai cột sống
Gai cột sống hay gai đốt sống (Osteophyte) là phần tất yếu của quá trình lão hóa. Khi cơ thể già đi, dây chằng cố định xương trở nên lỏng lẻo. Để chống lại quá trình lão hóa này, cơ thể đã tạo ra các mấu xương (gai xương), là các phần xương mọc thêm ra phía ngoài và hai bên của cột sống nhằm duy trì sự ổn định và giảm bớt căng thẳng cho cột sống, lâu dần sẽ hình thành gai cột sống. Những gai này cọ xát vào nhau và có thể gây ra các cơn đau lưng.
Đau cơ xơ hóaịĐau cơ xơ hóa khiến các cơn đau xuất hiện khắp cơ thể kèm theo rối loạn về giấc ngủ, nhận thức và tâm trạng. Theo một số nghiên cứu, tình trạng này xảy ra do các kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại, dẫn đến thay đổi cách hoạt động của hệ thần kinh. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến cách xử lý tín hiệu của cơ thể, khuếch đại cảm giác đau ở người bệnh. Các điểm đau có thể xuất hiện ở cả bên trái và bên phải, phía trên và phía dưới cơ thể như: cổ, vai, ngực, lưng, hông, cánh tay, chân.