Các nhà khoa học mới đây khám phá ra bí mật đằng sau hàm răng kỳ lạ của nữ quý tộc Pháp vào thế kỷ 17.
Nữ quý tộc này đã sử dụng dây buộc bằng vàng để giữ cho răng không bị rụng.
Theo đó, thi thể của bà Anne d'Alegre, qua đời vào năm 1619, được phát hiện ở trong một cuộc khai quật khảo cổ tại Chateau de Laval, thuộc tây bắc nước Pháp vào năm 1988. Xác của nữ quý tộc được ướp trong một chiếc quan tài bằng chì. Điều đặc biệt là bộ xương và răng của bà vẫn được bảo quản rất tốt.
Cụ thể, vào thời điểm đó, các nhà khảo cổ nhận thấy rằng xác ướp có một chiếc răng giả và các sợi dây buộc bằng vàng nhưng họ lại không có công cụ quét tiên tiến để tìm hiểu thêm.
Hàm răng của nữ quý tộc vẫn được bảo quản tốt sau hơn 400 năm. Ảnh: INRAP
Đến bây giờ, sau 35 năm, các nhà khảo cổ và nha sĩ, đứng đầu là bà Rozenn Colleter tại Viện nghiên cứu Khảo cổ Phòng ngừa Quốc gia Pháp (INRAP), đã xác định rằng, nữ quý tộc d'Alegre mắc bệnh nha chu. Căn bệnh này khiến cho răng của bà bị lung lay. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Journal of Archaeological Science: Reports tuần này.
Nhóm chuyên gia dùng công nghệ quét CT Cone Beam, sử dụng tia X để tạo hình ảnh ba chiều. Kết quả cho thấy các sợi dây bằng vàng đã được sử dụng để giữ và siết chặt một số răng của nữ quý tộc. Bà ấy cũng có một chiếc răng giả làm bằng ngà của một con voi, chứ không phải hà mã, thứ phổ biến vào thời điểm đó.
Nhà khảo cổ học Rozenn Colleter, cho biết công việc nha khoa công phu này chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, bởi các sợi dây vàng cần được thắt chặt nhiều lần trong nhiều năm. Điều này khiến các răng bên cạnh trở nên mất ổn định hơn nữa.
Vì sao hàm răng đẹp quan trọng vào thời xưa?
Chân dung nữ quý tộc Anne d'Alegre. Ảnh: Journal of Archaeological Science: Reports
Nữ quý tộc D'Alegre có thể đã trải qua nỗi đau không chỉ vì lý do về y tế. Bởi có áp lực rất lớn đối với phụ nữ quý tộc vào thời điểm mà ngoại hình được coi là có liên quan đến giá trị và địa vị ở trong xã hội.
Ambroise Pare, một người sống cùng thời với nữ quý tộc d'Alegre, đồng thời từng là bác sĩ cho một số vị vua Pháp và đã thiết kế nhũng bộ phận nha khoa giả tương tự, tuyên bố rằng nếu một bệnh nhân không có răng, lời nói của họ sẽ trở nên không có trọng lượng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, một nụ cười đẹp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với d'Alegre, một nữ quý tộc gây tranh cãi trong xã hội lúc bấy giờ với 2 lần góa chồng.
Nữ quý tộc d'Alegre đã sống qua một thời kỳ khó khăn trong lịch sử của nước Pháp. Bà là một người theo đạo Tin lành và đã chiến đấu chống lại người Công giáo trong chiến tranh tôn giáo của Pháp vào cuối những năm 1500.
Vào năm 21 tuổi, bà d'Alegre góa chồng lần đầu và có một cậu con trai nhỏ tên là Guy XX de Laval. Đến khi đất nước rơi vào cuộc chiến tôn giáo lần thứ 8, bà d'Alegre và con trai buộc phải trốn khỏi lực lượng Công giáo, trong khi tài sản của họ bị nhà vua tịch thu.
Con trai của nữ quý tộc sau đó đã cải đạo sang Công giáo và tham gia chiến đấu ở Hungary, cuối cùng chết trong một trận chiến ở tuổi 20.
Sau khi góa chồng lần thứ hai, bà d'Alegre đã qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 54. Nhà khảo cổ học Rozenn Colleter chia sẻ, hàm răng của nữ quý tộc này cho thấy bà ấy đã trải qua rất nhiều căng thẳng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nha chu nghiêm trọng được ước tính là gây ảnh hưởng tới gần 1/5 số người trưởng thành trên thế giới. Một trong những biểu hiện của bệnh nha chu là ê buốt răng do tụt nướu.
Bệnh nha chu sẽ âm thầm tiến triển với các biểu hiện như nướu sưng đỏ, chảy máu, hơi thở hôi, lung lay răng... Nếu không được chữa trị kịp thời, căn bệnh này sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng như mất răng ở người trưởng thành, đồng thời làm giảm sức đề kháng...