Bão sa thải tiếp tục quét sang năm 2023. Alphabet và Microsoft là 2 cái tên mới nhất trong danh sách những gã khổng lồ công nghệ cắt giảm việc làm quy mô lớn. Đáng nói, làn sóng sa thải sẽ không sớm kết thúc.
Tháng đầu tiên của năm 2023, Alphabet - công ty mẹ của Google và Microsoft đã tuyên bố sa thải hàng loạt nhân sự. Ngày 20/1, Alphabet thông báo sẽ cắt giảm 12.000 việc làm, không lâu sau khi Microsoft tiết lộ kế hoạch sa thải 10.000 nhân sự.
Giống những dự báo trước đó của giới quan sát, bão sa thải trong ngành công nghệ Mỹ đã lan sang năm 2023. Nửa cuối năm ngoái được nhớ tới với các đợt cắt giảm việc làm quy mô lớn và đóng băng tuyển dụng tại Amazon, Twitter, Meta - công ty mẹ của Facebook - và những tập đoàn công nghệ lớn khác.
Bão sa thải ngày càng tồi tệ
Ngay trước Lễ Tạ ơn tại Mỹ, CEO Amazon Andy Jassy thông báo sẽ sa thải 18.000 nhân viên. Cùng ngày với Amazon, Salesforce tuyên bố cắt giảm 10% nhân sự và giảm diện tích thuê văn phòng nhằm tái cấu trúc.
Ngay ngày hôm sau, nền tảng thời trang kỹ thuật số Stitch Fix tiết lộ kế hoạch sa thải 20% nhân viên sau đợt cắt giảm 15% vào năm ngoái.
Trước đó, trong một bức thư gửi nhân viên hôm 8/11, CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty mẹ Facebook đã bắt đầu sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người.
Ông cho biết Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và đóng băng tuyển dụng đến hết quý I/2023.
Nền tảng truyền thông xã hội Twitter cũng mạnh tay cắt giảm nhân sự sau khi được tỷ phú Elon Musk tiếp quản. Ông tuyên bố việc sa thải là cần thiết để hợp lý hóa mô hình kinh doanh của nền tảng.
Microsoft và Amazon đều cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Ảnh: Reuters.
Theo CNBC, chỉ riêng tháng 11 năm ngoái, 76.835 nhân viên trong ngành công nghệ đã mất việc, gần gấp đôi tháng trước đó. Các công ty công nghệ đang đối mặt với những thách thức từ mọi mặt.
Đại dịch đã mang tới sự bùng nổ trong nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Đó là giai đoạn những doanh nghiệp này ráo riết tuyển dụng.
Nhưng việc nới lỏng các hạn chế chống dịch cũng kéo nhu cầu đi xuống. Người tiêu dùng trở lại với cuộc sống thường ngày. Thêm vào đó, lãi suất tăng cao khiến nguồn vốn đổ vào những công ty công nghệ vơi dần.
Các công ty công nghệ cần khoản tiền này để rót vào những ván cược đổi mới. Lãi suất tăng cao cũng khiến các công ty trong ngành không còn được định giá cao ngất ngưởng.
Những tính toán sai lầm
Bước sang năm 2023, lo ngại suy thoái và những bất ổn kinh tế vẫn đang đè nặng lên người tiêu dùng và các cơ quan quản lý.
Theo The Guardian, CEO của Alphabet Sundar Pichai cho biết đợt cắt giảm nhân sự lần này nhằm tái cấu trúc chi phí và tập trung nguồn lực cho những ưu tiên hàng đầu. Ông Jack Dorsey - đồng sáng lập, cựu CEO của Twitter - cũng thừa nhận đã tuyển thêm quá nhiều nhân viên trong những năm gần đây.
Trong thư gửi tới các nhân viên trong tháng này, ông Jassy thừa nhận Amazon cần cắt giảm chi phí đáng kể "trong bối cảnh kinh tế bất ổn". Còn đồng CEO Marc Benioff của Salesforce cho biết "khách hàng đang cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định mua hàng do môi trường kinh tế vĩ mô thách thức".
Điều đó khiến Salesforce phải "đưa ra quyết định rất khó khăn" là sa thải nhân viên.
Đó là cơ hội cho các ngành nghề khác, vốn bị tụt hậu trong chuyển đổi kỹ thuật số và an ninh mạng. Giờ đây, họ có thể tuyển dụng những tài năng mà trước kia không thể
Bà Simone Petrella - Giám đốc điều hành của CyberVista
Mark Zuckerberg của Meta cho rằng họ đã đánh giá sai về nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ, vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch.
Bức tranh của ngành công nghệ Mỹ sẽ còn kém sắc hơn nữa nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách tiền tệ diều hâu trong năm nay. Theo CNBC, biên bản cuộc họp gần nhất của ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy lập trường chính sách thắt chặt sẽ được duy trì đến khi các dữ liệu chỉ ra "lạm phát đang giảm bền vững về 2%".
Vào cuộc họp chính sách tháng 12 năm ngoái, Fed quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Nhưng theo một số chuyên gia, các nhân viên bị mất việc làm trong bão sa thải ngành công nghệ sẽ sớm tìm được cơ hội khác. Theo chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của KPMG, nhu cầu đối với những lao động tay nghề cao vẫn còn.
Theo bà Simone Petrella - Giám đốc điều hành của CyberVista, một công ty đào tạo và phát triển an ninh mạng, hầu hết vị trí bị cắt giảm trong lĩnh vực công nghệ liên quan đến các kỹ năng rất dễ nhảy việc.
Dù có các kỹ năng thuần túy về công nghệ hay liên quan tới nhân sự, tuyển dụng và tiếp thị, những nhân viên bị sa thải đang được các công ty thuộc lĩnh vực sức khỏe, bán lẻ, sản xuất và tài chính săn đón.
"Đó là cơ hội cho các ngành nghề khác, vốn bị tụt hậu trong chuyển đổi kỹ thuật số và an ninh mạng. Giờ đây, họ có thể tuyển dụng những tài năng mà trước kia không thể", bà nói thêm.
VietBF@ sưu tập
|