Ngày 15/11/1908, Từ Hy Thái hậu qua đời ở điện Nghi Loan. Một năm sau, tang lễ của bà mới được tổ chức. Trong thời gian tổ chức tang lễ, một đội quân bằng giấy và đất nung được đốt. Vì sao lại vậy?
Từ Hy Thái hậu là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc. Theo đó, bà có cuộc sống vương giả, xa hoa hơn người. Không chỉ lúc sống, sau khi qua đời, tang lễ của Từ Hy Thái hậu cũng được thực hiện với chi phí "khủng".
Cụ thể, vào ngày 15/11/1908, Từ Hy Thái hậu qua đời ở điện Nghi Loan trong Tử Cấm Thanh, hưởng thọ 73 tuổi. Thay vì được tổ chức tang lễ ngay sau đó, Từ Hy Thái hậu được mai táng vào tháng 11/1909 (tức 1 năm sau khi mất).
Sở dĩ tang lễ của Từ Hy Thái hậu được tổ chức muộn như vậy được cho là vì 2 lý do. Đầu tiên là việc bà qua đời chỉ một ngày sau khi Hoàng đế Quang Tự băng hà. Theo quy định, tang lễ của hoàng đế được tổ chức trước thái hậu.
Lý do thứ hai là vào năm 1895, Từ Hy Thái hậu yêu cầu phá bỏ lăng mộ đã hoàn thiện vì cho rằng nó chưa đủ sang trọng, hoành tránh. Do đó, khi bà qua đời, lăng mộ mới vẫn chưa xây xong.
Trong thời gian 1 năm, triều đình tất bật chuẩn bị tang lễ hoành tráng cho Từ Hy Thái hậu để phù hợp với địa vị cũng như lối sống của bà. Theo các sử gia, tang lễ của Từ Hy Thái hậu tốn kém hơn nhiều so với các hoàng đế trước đó.
Một trong những điều gây chú ý trong tang lễ của Từ Hy Thái hậu đó là việc sử dụng lượng lớn đồ vàng mã. Người ta chuẩn bị rất nhiều tiền mã, hình nhân, đồng hồ, y phục, trang sức... bằng vàng mã nhưng giống như thật. Chúng được đốt hết để Thái hậu sẽ tiếp tục có cuộc sống vương giả khi ở thế giới bên kia.
Đặc biệt, triều đình nhà Thanh còn chuẩn bị cả một đội quân bằng giấy và đất nung được xếp thành hàng trước khi đốt tại Tử Cấm Thành vào 2 ngày trước lúc tang lễ diễn ra.
Theo quan niệm của người Trung Quốc thời phong kiến, đội quân trên sẽ sang thế giới bên kia trước để dẹp đường và chuẩn bị lễ đón Từ Hy Thái hậu.
Ngoài ra, vào ngày đưa tang, 128 người khiêng linh cữu của Từ Hy Thái hậu. Nhiều văn võ bá quan trong triều tham dự tang lễ, đưa bà tới nơi yên nghỉ ở Thanh Đông Lăng. Cùng với đó, hàng ngàn người dân đứng hai bên đường theo dõi sự kiện này.
Do được chôn cất cùng vô số ngọc ngà châu báu và các bảo vật quý hiếm nên về lăng mộ của bà hoàng này bị Tôn Điện Anh cướp phá nghiêm trọng năm 1928.