Nước dùng màu đỏ cam, vị chua từ dứa, vị ngọt từ nước dừa, nước hầm xương, vị cay tê đầu lưỡi từ ớt, dậy mùi thơm của sả, lá chanh. Món lẩu này làm ấm người trong tiết trời lạnh giá.
Nguyên liệu (7)
800 gr xương lợn hoặc xương gà
1 quả dừa tươi lấy nước
1/2 quả dứa
Gia vị tạo mùi: Sả, riềng, lá chúc hoặc lá chanh, tỏi, hành tây, hành lá
Gia vị nêm nếm: Gói gia vị lẩu Thái, mắm, muối, đường, hạt nêm, nước cốt dừa (tùy chọn), ớt khô, sa tế (tùy chọn)
Tạo màu: Dầu màu điều, cà chua, tương ớt, tương cà
Đồ nhúng ăn kèm lẩu gồm: Mực, tôm, thịt bò, rau, đậu phụ, nấm hương, mì sợi, bún...
Cách làm
1. Sơ chế nguyên liệu
Dứa gọt bỏ vỏ, sử dụng 1/2 quả làm nước dùng lẩu. Dứa giúp cho món lẩu có vị chua dịu ngọt, hơn nữa trong dứa chứa enzym bromelain (thuộc nhóm protease) có khả năng phân hủy protein giúp cho các đồ nhúng lẩu nhanh mềm. Cà chua rửa sạch. Riềng, sả rửa sạch.
Dứa lấy 1/4 quả thái miếng vừa ăn. Cà chua 6 quả thái múi cau. Ngô ngọt cắt khoanh. Riềng thái lát, sả một phần băm nhỏ, một phần đập dập cắt khúc. Lá chanh vò nhẹ cho ra tinh dầu. Ớt khô tăng vị cay the nhẹ cho món ăn. Cà rốt tỉa hoa để trang trí món lẩu thêm phần bắt mắt. Tỏi băm nhỏ.
1/4 quả dứa còn lại xay mịn, lọc lấy nước cốt. Phi thơm tỏi, sả cho 1/2 lượng cà chua cùng 2 thìa canh dầu màu điều vào, thêm chút nước mắm và nấu chín nhừ. Cà chua chứa vitamin A nên khi kết hợp dầu ăn sẽ lên màu đẹp mắt. Sau khi mềm nhừ thì trút cà chua cùng với nước cốt dứa vào xay mịn, lọc qua rây lấy hỗn hợp nước cốt màu đẹp. Hành tây thái khoanh tròn trang trí cho nước dùng lẩu.
Chuẩn bị các đồ nhúng lẩu: Các loại rau rửa sạch, vẩy ráo nước. Nấm kim châm rửa nước muối loãng. Mực rửa sạch. Thịt bò thái mỏng, rắc chút gừng thái sợi. Tùy theo khẩu vị mà điều chỉnh đồ nhúng lẩu cho phù hợp khẩu vị và rau củ quả theo mùa.
2. Làm nước dùng lẩu
Xương heo hoặc xương gà chần sơ, rửa sạch rồi ninh lấy nước xương ngọt tự nhiên.
Lọc lấy nước hầm xương, cho nước dừa tươi, nước cốt dứa cà chua vào. Nêm nếm gói gia vị lẩu Thái, mắm, muối, đường, hạt nêm, nước cốt dừa, sa tế cho vừa miệng. Thêm chút tương ớt, tương cà lên màu đẹp mắt. Thêm lá chanh vò sơ. Trang trí bằng hành tây thái khoanh tròn, ngô ngọt, cà chua thái múi cau, ớt khô là có nồi nước dùng hấp dẫn, nhiều sắc màu.
3. Nhúng lẩu
Khi ăn đun nóng nước dùng, cho các loại hải sản, thịt bò cùng rau củ quả vào. Vị chua chua cay cay làm nên nét đặc trưng của món ngon xứ sở chùa Vàng.
4. Yêu cầu thành phẩm
Nước dùng bắt mắt với màu đỏ cam, vị chua từ dứa, vị ngọt từ nước dừa, nước hầm xương, vị cay tê đầu lưỡi từ sa tế và ớt, dậy mùi thơm đặc trưng từ sả, lá chanh. Món lẩu này kích thích tiêu hóa, làm ấm người trong tiết trời lạnh giá.
Chú ý:
Lẩu thái chua cay hợp với đồ nhúng từ thủy hải sản (tôm, mực, cá...)
Tùy theo khẩu vị mà điều chỉnh vị chua cay mặn ngọt cho phù hợp.
Nếu có lá chúc (lá chanh Thái) thì càng tăng hương vị đặc trưng gốc của món ăn này.
Nếu ăn kèm bún thì cho vị ngọt tăng để cân bằng vị chua của bún. Nếu ăn cùng mì sợi thì tăng độ chua hơn ngọt.
VietBF©sưu tập