Một số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ sống sót sau 5 năm mắc ung thư dạ dày ở Nhật Bản là 64,6%. Trong khi đó tỉ lệ này ở các nước khác chỉ là 10-25%.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư dạ dày khá cao. Mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 1 triệu trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Trong đó, số bệnh nhân người Nhật Bản luôn chiếm một tỉ lệ cao.
Tuy nhiên, nếu như tỉ lệ sống sót sau 5 năm mắc ung thư dạ dày của các nước khác chỉ là 10-25% thì ở Nhật Bản là 64,6%. Tìm hiểu ra mới biết, hóa ra người Nhật luôn áp dụng 3 nguyên tắc này.
Người Nhật đi kiểm tra nội soi dạ dày định kì
Ảnh minh họa
Từ năm 1983, Nhật Bản đã yêu cầu những người trên 40 tuổi thực hiện soi đường tiêu hóa để tầm soát ung thư dạ dày. Từ năm 1994 trở đi, Nhật Bản đẩy mạnh khám sàng lọc nội soi dạ dày trên diện rộng. Yêu cầu này cũng được đưa vào khám sức khỏe định kì hàng năm của các doanh nghiệp.
Chính nhờ việc tầm soát bệnh nên tỉ lệ phát hiện sớm ung thư dạ dày ở Nhật Bản đã tăng lên 70%. Phát hiện sớm, điều trị sớm nên tỉ lệ sống sau 5 năm của người bệnh cũng tăng lên, tỉ lệ tử vong do bệnh thì giảm đáng kể.
Khi nội soi dạ dày, các bác sĩ có thể quan sát trực tiếp vị trí, hình dạng tổn thương. Nếu cần thiết có thể sinh thiết khối u ngay.
Người Nhật quan tâm đến việc loại trừ vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Tổ chức Y tế Thế giới xếp vi khuẩn HP vào danh sách tác nhân gây ung thư chính. Theo đó, tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư dạ dày có thể giảm gần 2/3 nếu tiệt trừ HP kịp thời.
Năm 2013, Nhật Bản đã khởi xướng “Chương trình loại trừ ung thư dạ dày” nhằm ngăn ngừa ung thư dạ dày bằng cách diệt trừ HP, bao gồm cả việc loại trừ HP ở bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính vào bảo hiểm y tế. Tới năm 2017, tỉ lệ tử vong do căn bệnh này ở Nhật Bản đã giảm 9,2%.
Chế độ ăn của người Nhật rất tốt cho dạ dày
Người Nhật ăn uống rất khoa học. Họ không ăn quá no và ăn đa dạng dinh dưỡng. Vì vậy mà rất tốt cho dạ dày. Họ không ăn số lượng lớn như phương Tây mà chỉ ăn mỗi thứ một ít nhưng phải chứa nhiều món. Từ thịt, cá, cơm, súp, rau xanh, dưa chua… phải có đủ.
Khi kết hợp các món ăn với nhau, họ cũng hướng đến sự tối ưu hóa quá trình tiêu thụ. Chẳng hạn nếu bữa ăn có đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ thì sẽ ăn kèm với bắp cải bào hoặc củ cải để cơ thể tiêu hóa thực phẩm béo dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong mâm cơm của người Nhật cũng thường có các món lên men, súp miso. Đây là những thực phẩm có chứa lợi khuẩn giúp dạ dày làm việc tốt hơn.