USD rơi thẳng đứng. Sức mạnh của USD đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6. Bảng Anh và euro đều tăng mạnh so với USD.
Sau báo cáo lạm phát được cả Phố Wall chờ đợi, chỉ số USD đã rơi thẳng đứng xuống mức thấp nhất nửa năm. Bảng Anh và euro đều tăng vọt lên mức cao nhất 6 tháng so với USD.
Đồng bạc xanh rớt giá mạnh sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Mỹ. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 13/12 (giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã rơi thẳng đứng xuống 103,7 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 16/6.
USD rớt mạnh giúp các tiền tệ khác hưởng lợi. Euro hiện được giao dịch ở mức 1,241 USD đổi 1 euro, mức cao nhất trong vòng hơn nửa năm qua. Năm nay, đồng tiền chung châu Âu có giai đoạn rẻ hơn USD.
Tỷ giá GBP/USD cũng đang ở mức cao nhất trong vòng nửa năm qua. Các tiền tệ như AUD, NZD, yen Nhật và nhân dân tệ của Trung Quốc đồng loạt mạnh lên so với đồng bạc xanh.
Chỉ số USD rớt mạnh sau báo cáo CPI tháng 11 của Mỹ. Ảnh: Trading Economics.
Lạm phát tại Mỹ thấp hơn dự kiến
Dữ liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ đã đè nặng lên đồng USD. Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 7,1% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.
Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021. CPI cốt lõi - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm biến động mạnh - tăng 0,2% so với một tháng trước đó và 6% so với một năm trước đó, thấp hơn mức dự báo lần lượt là 0,3% và 6,1%.
Giá năng lượng lao dốc giúp lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt. Chỉ số giá của nhóm năng lượng giảm 1,6% so với tháng 10 nhờ giá xăng lao dốc 2%.
Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Mỹ. Bởi các dữ liệu kinh tế mới đây phát đi những tín hiệu khác nhau về tình hình lạm phát. Và bức tranh lạm phát sẽ quyết định động thái lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
CPI tháng 10 của Mỹ cũng tăng ít hơn dự kiến. Mức tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là 0,4% và 7,7%, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.
"Fed có thể coi việc lạm phát thấp hơn dự kiến trong tháng 10 là câu chuyện của một tháng. Nhưng với sự hạ nhiệt ở tháng 11, rất khó để bác bỏ xu hướng đi xuống của giá cả", ông Paul Ashworth - nhà kinh tế trưởng tại Bắc Mỹ của Capital Economics - nhận định.
Lạm phát đã đạt đỉnh?
Fed buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm để kìm hãm lạm phát. Việc lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Trong bài phát biểu hôm 30/11, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12.
Ông Powell lưu ý rằng các động thái như tăng lãi suất và hạ tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Fed sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng. Do đó, ông khẳng định việc điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất là hợp lý.
Đà tăng của USD sẽ chững lại nếu Fed giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc kết thúc chu kỳ nâng sớm hơn dự kiến. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ vọt tăng sau báo cáo lạm phát tháng 11. Đầu phiên giao dịch ngày 13/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 523,5 điểm, tương đương 1,54% lên 34.528 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 1,48%, xuyên thủng ngưỡng 4.000 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ tăng tới 3,25%.
VietBF@ sưu tập