Bệnh tiểu đường có thể phát triển qua các giai đoạn như kháng insulin, tiền tiểu đường, tiểu đường type 2 và xuất hiện biến chứng.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường type 2 là lượng đường trong máu (glucose) tăng nhẹ, vượt ngoài mức bình thường cho đến khi đủ cao để chẩn đoán đã mắc bệnh. Người có nguy cơ cao mắc tiền tiểu đường và tiểu đường là: thừa cân, béo phì; hoạt động thể chất thấp, ít vận động; tiền sử gia đình mắc tiểu đường; cholesterol cao, huyết áp cao, mắc bệnh tim, đột quỵ; mắc hội chứng buồng trứng đa nang; trên 45 tuổi.
Giai đoạn 1: Kháng insulin
Kháng insulin là dấu hiệu đầu tiên của các vấn đề về đường huyết, thường xảy ra nhiều năm trước khi chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2. Thực phẩm tiêu thụ được chuyển hóa thành đường và đi vào máu. Tuyến tụy giải phóng insulin để đưa đường khỏi máu, đi vào tế bào để sử dụng làm năng lượng.
Khi cơ thể kháng insulin hoặc không phản ứng đúng với insulin, lượng đường trong máu bắt đầu tăng lên. Kết quả là cơ thể báo hiệu cho gan và cơ bắp lưu trữ lượng đường trong máu. Khi gan dư thừa đường, đường sẽ được lưu trữ dưới dạng mỡ trong cơ thể, gây gan nhiễm mỡ. Giai đoạn này thường không có dấu hiệu nhưng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong tương lai.
Giai đoạn 2: Tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường là khi lượng đường trong máu nằm ngoài phạm vi bình thường nhưng không đủ cao để được chẩn đoán là tiểu đường. Đường huyết khoảng từ 100-125 mg/dL được coi là tiền tiểu đường. Tình trạng này làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim và đột quỵ. Có thể đảo ngược tiền tiểu đường thông qua thay đổi lối sống như có chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Tương tự như kháng insulin, ở giai đoạn này, bạn có thể không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho đến khi xét nghiệm máu có mức đường huyết cao hơn mức bình thường.
Đường huyết cao từ 126 mg/dL trở lên được coi là đã mắc tiểu đường type 2. Ảnh: Freepik
Giai đoạn 3: Tiểu đường type 2
Người được chẩn đoán mắc tiểu đường type 2 khi lượng đường trong máu nằm trong ngưỡng nguy hiểm. Cụ thể đường huyết lúc đói với người bình thường là 99 mg/dL hoặc thấp hơn, nếu từ 126 mg/dL trở lên nghĩa là bạn mắc bệnh tiểu đường type 2. Một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể không biểu hiện dấu hiệu; số khác lại có các triệu chứng nhẹ. Các triệu chứng sẽ ngày càng nặng hơn như tăng khát nước và đi tiểu, mờ mắt, tăng đói; tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, vết thương lâu lành hoặc không lành.
Ngay cả khi bạn đang tuân theo kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường, đường huyết vẫn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát do tính chất tiến triển của bệnh. Nếu nhận thấy các dấu hiệu đường huyết vượt mức bình thường, bạn nên đi kiểm tra và điều trị kịp thời.
Giai đoạn 4: Biến chứng mạch máu
Giai đoạn cuối cùng của bệnh tiểu đường liên quan đến tổn thương mạch máu. Lúc này, người bệnh sẽ mắc các biến chứng như bệnh võng mạc tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh thận đái tháo đường... Những tình trạng này là do đường huyết cao trong nhiều năm. Đây là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ, gây mù lòa và bệnh thận giai đoạn cuối ở người mắc tiểu đường type 2.
Bệnh võng mạc tiểu đường: Đường huyết cao làm các mạch máu ở phía sau mắt bị sưng lên, rò rỉ chất lỏng vào mắt gây giảm thị lực, bong võng mạc, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Xơ vữa động mạch: Sự tích tụ chất béo và cholesterol (còn gọi là mảng bám) trong các động mạch, cứng lại làm máu không thể lưu thông bình thường. Mảng bám có thể dày lên chặn hoàn toàn dòng máu, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Bệnh thận đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng thận. Khi điều này xảy ra, thận không thể loại bỏ chất thải và chất lỏng ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả, dẫn đến suy thận.
Kiểm soát đường huyết là cách hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường type 2, cũng như ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Để giữ lượng đường trong máu ổn định, bạn nên có chế độ ăn lành lạnh gồm nhiều trái cây, rau, protein nạc và thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, sữa không béo hoặc ít béo.
Người bệnh tiểu đường nên có ít nhất 150 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải hoặc 75 phút cường độ mạnh mỗi tuần và kết hợp các bài tập sức mạnh hai lần một tuần. Đạt và giữ cân nặng hợp lý, dùng thuốc theo đúng liều lượng chỉ dẫn của bác sĩ giúp kiểm soát tốt đường huyết. Nếu được chẩn đoán mắc kháng insulin hoặc tiền tiểu đường, bạn vẫn có thể ngăn chặn phát triển bệnh tiểu đường type 2 bằng các cách trên.