Lạm dụng nghe nhạc, nghe tai nghe lâu khiến người trẻ đứng trước nguy cơ giảm thính lực thậm chí điếc đột ngột.
Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Y học toàn cầu BMJ cho hay, có tới hơn 1 tỷ thanh thiếu niên thường để âm lượng tai nghe quá to, hoặc tham gia các hoạt động công cộng có âm thanh ở mức không an toàn. Điều này có thể sẽ gây mất thính lực hoặc ù tai ở giới trẻ.
Bà Lauren Dillard (cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Y khoa South Carolina, tác giả chính của nghiên cứu) cho biết: “Chúng tôi ước tính 0,67-1,35 tỷ người trong độ tuổi 12-34 trên toàn thế giới có thói quen nghe không an toàn. Do đó, họ có nguy cơ bị mất thính giác.
Theo PGS Nguyễn Thị Ngọc Dinh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương bản thân bà cũng từng gặp rất nhiều bệnh nhân còn trẻ đến khám vì ù tai, giảm thính lực thậm chí là điếc đột ngột do lạm dụng tai nghe, đeo tai nghe quá lâu.
PGS Dinh cho biết trung bình tai của mình chỉ chịu đựng ngưỡng tiếng ồn tối đa là 60 đề xi ben (dB) trong vòng 1 tiếng tức đây là âm thanh của người phát biểu nói to trong hội trường. Khi mức đề xi ben tăng lên thì nguy cơ ảnh hưởng tới thính lực sẽ tăng lên.
Âm thành càng lên cao và nó ảnh hưởng tới cơ quan của tai trong. Nhiều người làm trong môi trường ồn thời gian dài thì những chấn thương âm trong người bệnh không rõ các triệu chứng.
Hàng ngày, thanh thiếu niên có thói quen thích nghe nhạc thậm chí ăn nghe nhạc, ngủ nghe nhạc, nghe quá lâu dẫn đến điếc. PGS Dinh khuyến cáo tốt nhất chỉ đeo tai nghe nghe nhạc khoảng 1h trong một ngày.
Hiện có nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo bảo vệ thính lực khi nghe nhạc to hay làm trong môi trường tiếng ồn, PGS Dinh khuyến cáo hoàn toàn không có tác dụng. Cách bảo vệ thính lực tốt nhất là nghe vừa ngưỡng ví dụ như nói chuyện bình thường khoảng 40 Db.
Khi bạn làm việc trong môi trường ồn ào không nên nghe tai nghe nhiều để át tiếng ồn mà nên sử dụng nút tai để giảm tiếng ồn tác động lên tai. Nút tai này vừa bảo vệ thính lực vừa giúp bạn tập trung làm việc tốt hơn.
PGS An tư vấn về thính lực do đeo tai nghe lâu ngày.
Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Thị Hoài An – chuyên gia tai mũi họng – Giám đốc BV Đa khoa An Việt cũng cho biết bà tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người trẻ vào khám vì chứng giảm thính lực, điếc đột ngột vì lạm dụng tai nghe.
Ví dụ như trường hợp của em Hoàng Đức Tiến (18 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) được bố đưa đến kiểm tra vì ù tai, khó nghe.
Theo Tiến, hàng ngày em đều dành thời gian cắm tai nghe không dây vào tai để nghe nhạc. Bố của Tiến cũng cho biết đến bữa ăn con cũng đeo tai nghe. Gia đình bố mẹ khuyên nhiều lần nhưng thói quen này cậu bé không từ bỏ.
Nhiều lần, bố của Tiến nổi giận vứt tai nghe đi nhưng cũng không được bao lâu, em lại chứng nào tật ấy. Thính lực của Tiến sau khi kiểm tra giảm còn 47 %.
Biểu hiện của giảm thính lực thường không rõ ràng, đôi khi người bệnh thấy người nôn nao, tai ù ù, đầu ong ong, thính lực ngày một giảm dần khiến họ phải mở to tivi hơn hoặc nói rất to mới nghe rõ. Nhiều người đến khám thì tai đã tổn thương.
Khi bị giảm thính lực thì uống thuốc hay thuốc bổ đều không có tác dụng với tai. PGS An cho rằng cách tốt nhất là bảo vệ thính lực trước khi mất. Ví dụ bạn cần nghe nhạc chỉ nên nghe từ 30 – 1 tiếng và để cho tai nghỉ ngơi.
Nghe với âm lượng vừa đủ. Khi có hiện tượng giảm thính lực, bạn nên chủ động tới các cơ sở y tế để được thăm khám, đo thính lực, và các chấn thương âm nếu có.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cho biết, giới hạn mức độ tiếng ồn an toàn ở khoảng 85 dB trong 40 giờ/tuần. Nếu chỉ nghe 2,5 tiếng/ngày, nó tương đương với khoảng 92 dB. Khi cắm các tệp âm thanh MP3 vào điện thoại thông minh, người nghe thường chọn âm lượng cao tới 105 dB. Âm thanh tại các địa điểm vui chơi thường nằm trong khoảng 104-112 dB.