11/3
Nghệ An có 5 đàn voi hoang dã với 14-16 con, trong đó có đàn chỉ 1-2 con nên không thể sinh sản, nguy cơ suy giảm số lượng.
Từ tháng 6 đến nay, con voi cái già đã 3 lần về xã Nam Sơn (huyện Quỳ Hợp), quật chết một con bò, phá hỏng nhiều ha lúa, tài sản của người dân. Trước đó voi hàng chục lần về khu dân cư ở xã Nam Sơn và Bắc Sơn, gây thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Các xã đã lập tổ phản ứng nhanh để gõ chiêng, đốt lửa xua đuổi, tuyên truyền người dân không làm tổn thương voi.
Cách xã Nam Sơn hơn 60 km, 10 ngày trước hai mẹ con voi rừng đã tới xã Châu Phong (Quỳ Châu), dẫm gãy keo, nằm qua đêm mới chịu vào rừng sau khi liên tục bị người dân xua đuổi.
Hai voi rừng tại xã Châu Phong, ngày 24/10. Video: Đình Tiệp
Thống kê của ngành kiểm lâm, Nghệ An có từ 14 đến 16 voi voi hoang dã, đứng thứ ba cả nước sau Đăk Lăk và Đồng Nai. Trong đó vùng lõi và vùng đệm vườn quốc gia Pù Mát (nằm trên 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương) có 3 đàn, 11-13 con; xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) có một con và huyện Quỳ Châu hai con.
Nguyên nhân chính khiến voi về bản phá hoa màu là sinh cảnh bị thu hẹp, các khu rừng nguyên sinh bị chuyển sang rừng sản xuất, từ đó voi thiếu hành lang di chuyển, thiếu thức ăn và muối. Ngoài ra, một số voi sống đơn lẻ, thiếu bạn tình nên vào mùa động dục thường trở nên hung dữ. Năm 2016, con voi cái sống cô độc ở huyện Con Cuông từng giữ trâu đực của người dân trong rừng.
Ông Võ Công Anh Tuấn, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Pù Mát, đánh giá trong 5 đàn thì đàn ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) là tốt nhất với 8-9 con và có khả năng phát triển, vì có con đực, con cái. Đàn voi sinh sản được 2 con vào năm 2013 và 2016. Các đàn khác đều là cá thể đơn lẻ nên không thể tăng số lượng.
Cá thể voi tại Pù Mát lúc giữ trâu đực tại rừng, năm 2016. Ảnh: Phương Linh
Để đàn voi sinh sản, tránh nguy cơ suy giảm, việc sáp nhập đàn đã được chính quyền Nghệ An tính đến, tuy nhiên gặp khó vì khoảng cách địa lý giữa các đàn rất xa. Phải mất hai ngày đường, vượt qua nhiều sông suối thì voi từ Quỳ Châu, Quỳ Hợp mới tới được vườn Pù Mát. Hoặc voi cái sống đơn lẻ ở khu vực xã Chi Khê, Lục Dạ (Con Cuông) muốn nhập với đàn ở Phúc Sơn (Anh Sơn) lại đang bị ngăn cách bởi sông Giăng.
Theo ông Tuấn, có thể bắn thuốc mê, bắt voi thả vào đàn khác, nhưng biện pháp này cũng rủi ro. Sau khi bắn thuốc mê cho tới lúc thuốc có tác dụng thì voi đã chạy được quãng đường dài, có thể bị rơi xuống vực nếu bị mê trên đoạn đường hiểm trở, vực sâu. Cũng có thể con vật chạy vào rừng sâu mất dấu, hoặc nếu phát hiện thì cũng không có đường để phương tiện tiếp cận di chuyển voi.
"Trường hợp bắn thuốc vào làm voi bị mê ngay thì cũng phải dụ voi ra vùng có địa hình thuận lợi rồi mới bắn, nhưng cũng không chắc sẽ dẫn dụ được voi", ông Tuấn giải thích thêm. Một tình huống khác, giả sử di chuyển được thì cũng có thể voi đơn lẻ không hợp với sinh cảnh nơi mới để tồn tại.
Con voi ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, năm 2018. Ảnh: Phương Linh
Con voi ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, năm 2018. Ảnh: Phương Linh
Bà Võ Thị Nhung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết việc sáp nhập voi sang vườn quốc gia Pù Mát đã được chính quyền bàn bạc từ nhiều năm trước, song chưa có giải pháp khả thi. Sở đang đề xuất các viện, trung tâm nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã khảo sát, điều tra đầy đủ về các yếu tố cần và đủ để di chuyển voi.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và cán bộ vườn quốc gia Pù Mát đều cho rằng giải pháp trước mắt là ưu tiên bảo tồn tại chỗ các cá thể đơn lẻ và đàn phát triển.
Voi là động vật có vú thuộc họ Elephantidae, là động vật trên cạn lớn nhất hiện nay. Voi ở Nghệ An là loài voi châu Á (Elephas maximus) bộ có vòi (Proboscidea), thường sống ở rừng hỗn giao tre nứa. Vào mùa khô hiếm nước và thức ăn, một ngày voi có thể di chuyển trên 30 km.
Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề án là lập dự án, tổ chức di chuyển, tái nhập đàn đối với những cá thể đơn lẻ. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ có quyết định định điều chỉnh đề án trên.
Theo điều chỉnh, đề án trên được thực hiện đến hết năm 2025 và được bổ sung Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Hà Tĩnh; dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Quảng Nam, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Tại Nghệ An, năm 2013, tỉnh có đề án khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020. Mục tiêu là bảo tồn nguyên hiện trạng và phát triển bền vững quần thể voi hoãng dã; ngăn chặn xung đột giữa voi với người. Thời gian qua, chính quyền đã xây được 4 km hào ngăn voi; hơn 28 km đường tuần tra bảo vệ rừng; 3 trạm dừng chân trên các tuyến tuần tra bảo vệ rừng ở vùng voi sống...
|
|