Tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh, đột quỵ, suy giảm trí nhớ, lão hóa sớm, giảm khả năng tập trung… là những tác hại của ngủ đêm ít.
Người trưởng thành thường cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Tuy vậy, theo BS.CKII Thân Thị Minh Trung - Phó khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có đến khoảng 35% người trưởng thành thường ngủ ít hơn do bị mất ngủ hoặc có thói quen thức khuya dậy sớm vì lý do nào đó. Tình trạng này kéo dài sẽ trở thành thói quen, gây mất ngủ mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống.
Bác sĩ Minh Trung cho biết thêm, ngủ ít vào ban đêm có thể là một hình thức rối loạn giấc ngủ với nhiều dạng thức khác nhau như khó đi vào giấc ngủ vào mỗi tối, ngủ chập chờn không sâu giấc... Giấc ngủ đêm cũng không kéo dài 6-8 tiếng như bình thường mà chỉ khoảng 3-4 tiếng.
Người bị mất ngủ hoặc ít ngủ đêm thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy, thường xuyên buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ được. Ít ngủ đêm có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề như công việc làm ca đêm, thói quen vui chơi giải trí, áp lực, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, sử dụng rượu bia, cà phê, trà đặc trước lúc đi ngủ. Một số bệnh lý như tiểu đêm, viêm khớp, gout, trào ngược dạ dày - thực quản, khó thở, bệnh về hô hấp... cũng khiến chất lượng giấc ngủ giảm sút.
Theo bác sĩ Minh Trung, các tác hại của việc mất ngủ, ngủ ít hay thức khuya dậy sớm kéo dài bao gồm:
Với sức khỏe: Tăng nguy cơ đột quỵ do cơ thể tăng sinh quá mức các gốc tự do. Các gốc tự do dần tấn công và gây tổn thương đến mạch não, tạo nên những mảng xơ vữa cùng các huyết khối làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Không ngủ đủ giấc cũng làm cho tim hoạt động nhiều dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, tăng nhịp tim gây nên những vấn đề về tim mạch.
Ngủ ít vào ban đêm cũng có thể gây tổn thương các ADN và khả năng tự chữa lành gene của cơ thể, từ đó, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhất là ung thư vú. Khả năng gặp phải các vấn đề về thần kinh cũng cao hơn với tình trạng lo lắng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, hành vi...
Người bị mất ngủ thường cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: Freepik
Với vẻ ngoài: Lão hóa sớm, ngủ không đủ giấc tác động đến nồng độ collagen trong cơ thể, khiến cho da xuất hiện nếp nhăn, mụn, sạm nám, tối màu... Hệ tiêu hóa không thể chuyển hóa tốt thức ăn khi mất ngủ ban đêm liên tục, gây nên tình trạng tích trữ mỡ thừa, gia tăng cảm giác thèm ăn, nhất là những thực phẩm béo. Người thường mất ngủ hoặc ít ngủ đêm có nguy cơ gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường...
Với chất lượng sống: Tình trạng ngủ ít khiến trí nhớ của người bệnh suy giảm nghiêm trọng, hay quên, lú lẫn. Thiếu ngủ làm cơ thể mệt mỏi, gây mất tập trung, phản xạ kém, ảnh hưởng trầm trọng tới hiệu suất làm việc. Người ngủ ít cũng khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân, thường cáu gắt, nóng giận với người xung quanh và dần mất các mối quan hệ xã hội.
Để cải thiện giấc ngủ vào ban đêm, bác sĩ Minh Trung khuyên, bạn cần điều chỉnh lại giờ giấc ngủ ổn định, đảm bảo ngủ đủ giấc nếu đó chỉ là do thói quen. Trường hợp khó ngủ vì các lý do tiềm ẩn, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời. Bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau như điều trị với thuốc và thay đổi lối sống để cho kết quả tốt.
Một số lưu ý để có giấc ngủ ban đêm như cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, duy trì thói quen ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày, thư giãn bằng đọc sách, nghe nhạc, chọn nơi ngủ thoải mái, sạch sẽ, yên tĩnh, nhiệt độ và ánh sáng thích hợp... Mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh với thực phẩm giàu dinh dưỡng, không ăn quá no vào buổi tối hoặc sử dụng các chất kích thích gây khó ngủ. Thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất cũng giúp dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.