Nếu đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch và tử vong sớm.
Một người trưởng thành tăng trung bình từ 0,5-1 kg mỗi năm. Điều này dễ dẫn đến chứng thừa cân và béo phì.
Theo Đài truyền hình CNN, một nghiên cứu mới đây cho thấy nguy cơ ung thư, tim mạch và tử vong sớm có thể được hạn chế khi một người đi bộ 10.000 bước mỗi ngày.
PGS-TS Evan Brittain, làm việc tại Khoa Dược Tim mạch thuộc Trung tâm Y tế Trường ĐH Vanderbilt ở Nashville, bang Tennessee - Mỹ kiêm tác giả nghiên cứu, cho biết: "Mọi người thực sự có thể giảm nguy cơ béo phì bằng cách đi bộ nhiều hơn".
Nghiên cứu mới cũng chỉ rõ việc đi bộ nhiều sẽ rất tốt đối với những người bị bệnh tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, tăng huyết áp, trầm cảm và trào ngược thực quản.
Nguy cơ ung thư, tim mạch và tử vong sớm có thể được hạn chế khi một người đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Ảnh: CNN
PGS-TS Brittain nói: "Nếu bước 8.000-9.000 bước mỗi ngày, nguy cơ tăng huyết áp và tiểu đường sẽ giảm xuống, và càng đi bộ nhiều thì càng hạn chế các nguy cơ. Do vậy, bạn nên đi bộ nhiều hơn".
Kết quả này là động lực để mọi người đi bộ và tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nếu bạn đứng dậy và vận động 21,43 phút/ngày/tuần, bạn sẽ giảm được 1/3 nguy cơ tử vong.
Cơ quan này cũng khuyến cáo mọi người tập các môn thể dục như đi bộ nhanh, khiêu vũ, đạp xe, tennis và thể dục nhịp điệu dưới nước với cường độ vừa phải trong thời gian 150 phút/lần và tập cơ 2 ngày/tuần.
TS Andrew Freeman, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Chăm sóc sức khỏe tim mạch thuộc Bệnh viện National Jewish Health ở Denver tại bang Colorado - Mỹ, khẳng định "hoạt động thể chất là hoàn toàn tuyệt vời".
"Khi bạn kết hợp vận động với một chế độ ăn nhiều thực vật hơn, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và kết nối với những người khác thì đó chính là suối nguồn của tuổi trẻ" - TS Freeman nói.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu sức khỏe từ hơn 6.000 người tham gia trong chương trình nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia trong vòng 4 năm. Họ được đeo thiết bị theo dõi hoạt động ít nhất 10 giờ mỗi ngày.
"Chúng tôi theo dõi hoạt động của những người tham gia trong 4 năm liên tục. Vì vậy, chúng tôi có thể xem xét tổng thể từ thời điểm bắt đầu cho đến khi bệnh được chẩn đoán. Đây là một lợi thế lớn vì chúng tôi không phải đưa ra giả định về hoạt động theo thời gian, không giống như tất cả các nghiên cứu trước đây" - PGS-TS Brittain nói.
Những người trong nghiên cứu trong độ tuổi từ 41 đến 67, có mức chỉ số BMI từ 24,3 (được xem là trong phạm vi cân nặng khỏe mạnh) đến 32,9 (được xem là béo phì).
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người đi bộ khoảng 6,5 km mỗi ngày, tương đương 8.200 bước, ít có nguy cơ béo phì, ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày và rối loạn trầm cảm nặng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người bị thừa cân (có BMI từ 25 đến 29) giảm một nửa nguy cơ bị béo phì nếu họ tăng số bước lên 11.000 bước mỗi ngày.
Trên thực tế, "việc gia tăng số bước chân sẽ giúp giảm nguy cơ béo phì đến 50% sau 5 năm", nghiên cứu cho thấy.
Áp dụng dữ liệu vào trường hợp cụ thể, các nhà khoa học cho biết những người có chỉ số BMI 28 có thể giảm 64% nguy cơ béo phì bằng cách tăng số bước chân từ khoảng 6.000 lên 11.000 bước mỗi ngày.
Nghiên cứu cho thấy lợi ích sức khỏe tăng lên theo mỗi bước, đạt đỉnh điểm ở 10.000 bước, nhưng sau đó hiệu quả sẽ giảm dần. Đếm bước có thể đặc biệt quan trọng đối với những người hoạt động thể chất không theo kế hoạch hoặc không thường xuyên làm việc nhà, làm vườn và dắt chó đi dạo.
PGS Borja del Pozo Cruz - làm việc tại Trường ĐH Nam Đan Mạch và là nghiên cứu cấp cao về khoa học sức khỏe tại Trường ĐH Cadiz - Tây Ban Nha, đồng tác giả nghiên cứu - lưu ý: "Chúng tôi đã phát hiện ra mối liên quan giữa các bước ngẫu nhiên (các bước được thực hiện cuộc sống hàng ngày) và nguy cơ ít mắc bệnh ung thư và bệnh tim".
Nghiên cứu này được công bố hôm 10-10 trên tạp chí Nature Medicine.
Ngoài ra, PGS Del Pozo Cruz và các cộng sự của ông gần đây đã công bố một nghiên cứu tương tự, theo đó, việc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày giúp giảm 50% nguy cơ sa sút trí tuệ. Tỉ lệ này là 25% khi đi bộ ít nhất 3.800 bước mỗi ngày.
Nếu đi bộ với tốc độ 112 bước/phút trong vòng 30 phút, nguy cơ sa sút trí tuệ sẽ giảm đến 62%. Thời gian 30 phút có thể được cộng dồn trong vòng một ngày chứ không nhất thiết phải được tính liên tục.
VietBF©sưu tập