Trong tương lai, thế giới có thể sẽ xuất hiện một siêu lục địa mới. Sau khi Thái Bình Dương thu hẹp lại và biến mất trong vòng 200 - 300 triệu năm tới. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Curtin ở Úc và Đại học Bắc Kinh đã sử dụng một siêu máy tính để mô hình hoá các mảng kiến tạo trôi dạt của Trái đất và sự hình thành của một siêu lục địa trong tương lai.
“Trong 2 tỷ năm qua, các lục địa trên Trái đất đã va chạm với nhau để tạo thành 1 siêu lục địa sau mỗi 600 triệu năm, khoảng thời gian này còn được gọi là chu kỳ siêu lục địa. Điều này cũng có nghĩa là các lục địa hiện tại sẽ xích lại gần nhau trong vài trăm triệu năm nữa”.
Theo quan sát, Thái Bình Dương hiện đang dần thu hẹp lại khoảng 2,5cm/năm. Tính toán cho thấy chưa đầy 300 triệu năm nữa, Thái Bình Dương rồi sẽ thu hẹp và nhường chỗ cho sự hình thành của Amasia - tên gọi của lục địa mới. Lý do cho cái tên này là vì nhiều người tin rằng ngược lại với Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương sẽ đóng lại khi châu Mỹ va chạm với châu Á.
Châu Úc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự kiện này, bởi khi châu Úc va chạm với châu Á, kết nối châu Mỹ và châu Á khi Thái Bình Dương thu hẹp lại. Các chuyên gia tin rằng siêu lục địa mới sẽ hình thành trên đỉnh Trái đất và nghiên về phía nam xích đạo.
Khi Amasia hình thành, mực nước biển được dự đoán sẽ thấp hơn và phần diện tích bên trong của siêu lục địa sẽ rất khô cằn, với biên độ nhiệt hàng ngày khá cao. Bên cạnh đó, khí hậu cũng sẽ bị thay đổi, đặc biệt là khi các dòng hải lưu cũ bị dịch chuyển do va chạm lục địa, tạo ra các dòng hải lưu mới.
Thái Bình Dương vốn là đại dương lâu đời nhất trên Trái đất. Vùng nước này là tàn tích của siêu đại dương Panthalassa hình thành từ cách đây 700 triệu năm trước, thậm chí còn cổ xưa hơn cả khi Pangea bắt đầu tan rã ra. Pangea là khối đất hình thành cách đây khoảng 320 triệu năm, bị chia cắt từ 170-180 triệu năm trước, khi khủng long còn đi dạo trên Trái đất.