Đột quỵ là tình trạng nguy hiểm tới tính mạng. Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiều thói quen sai lầm của chúng ta khi tắm dễ gây ra các cơn đột quỵ.
Trên thực tế, nhiều ca đột quỵ thường xảy ra trong nhà tắm. Trung tâm Y tế khẩn cấp Ascent, Mỹ, lý giải thủ phạm khiến chúng ta dễ bị đột quỵ trong khi tắm.
1. Nhiệt độ của nước không phù hợp
Nhiệt độ của nước rất quan trọng khi tắm. Sự chênh lệch nhiệt độ của nước với cơ thể có thể gây những thay đổi đột ngột về huyết áp. Hệ lụy là dẫn tới tình trạng hạ hoặc tăng thân nhiệt.
Hạ thân nhiệt là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp, xảy ra khi cơ thể mất nhiệt nhanh hơn mức có thể tạo ra. Hậu quả của tình trạng này là cơ thể ở mức nhiệt độ thấp báo động. Trong khi đó, tăng thân nhiệt là tình trạng cơ thể có lượng nhiệt cao hơn mức bình thường. Cả hai hiện tượng này đều có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của nạn nhân.
Tăng hoặc hạ thân nhiệt quá mức khiến huyết áp thay đổi đột ngột. Kết quả là nạn nhân bị thiếu máu cục bộ trong mạch máu não. Đây cũng là thủ phạm dẫn tới các cơn đột quỵ, đau tim, ngừng tim trong phòng tắm, nhà vệ sinh.
Tiếp xúc nước lạnh đột ngột làm tăng trương lực giao cảm, khiến nhiệt độ của da giảm nhanh. Kết quả, nạn nhân bị tăng huyết áp. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người mắc sẵn các bệnh nền là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.
2. Trình tự tắm, gội sai
Thông thường, chúng ta thường làm ướt đầu, tóc trước khi tắm. Theo Trung tâm Y tế khẩn cấp Ascent, đây là trình tự tắm, gội sai lầm. Đầu là nơi có nhiều mạch máu, dây thần kinh quan trọng.
Việc làm lạnh đầu trước tạo áp lực lên các dây thần kinh, mạch máu do chênh lệch nhiệt độ, cơ thể phải cân bằng nhiệt quá nhanh. Chưa kể, nhiệt độ chênh lệch còn khiến mạch máu co lại, càng khiến chúng dễ bị vỡ hơn. Do đó, trình tự tắm đúng được khuyến cáo là làm ướt chân trước để cơ thể quen dần với nhiệt độ của nước. Sau đó, bạn xả nước trên da, cuối cùng là mặt và đầu.
Trượt chân trong nhà tắm cũng khá phổ biến. Tai nạn này khiến đầu của nạn nhân bị đập xuống sàn hoặc bồn tắm, gây chấn thương nặng.
3. Tắm quá lâu
Tắm quá lâu có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan. Điều này sẽ nguy cơ cảm lạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các mạch máu, huyết áp, dẫn đến ngất xỉu, thậm chí còn có thể 'ra đi'.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo thời gian tắm tốt nhất là từ 10 - 20 phút, dù ngâm bồn thì cũng không nên vượt quá 30 phút.
4. Tắm đêm
Nhiều người do bận rộn nên thường có thói quen tắm đêm, nhưng điều này hoàn toàn không tốt.
Vì ban đêm nhiệt độ thấp hơn ban ngày, cơ thể con người cũng yếu đi sau 1 ngày dài vất vả. Nếu tắm nước lạnh sẽ khiến các mạch máu bị co lại, tắm nước ấm thời điểm này cũng làm tĩnh mạch giãn ra nhiều hơn bình thường.
Vậy nên kể cả tắm nước nóng hay lạnh đều làm giảm tuần hoàn máu, dễ hình thành cục máu đông hoặc thiếu máu lên não.
Các chuyên gi khuyến cáo, thời điểm tốt nhất để tắm vào buổi tối là trước 21h và tuyệt đối không tắm gội sau 23h, dù là bằng nước ấm.
Hậu quả nhẹ thì gây choáng váng, đau đầu, cảm đột ngột còn nặng thì gây ngất xỉu, đột quỵ não, hôn mê, không qua khỏi. Đặc biệt với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp.