Chính phủ Hungary ngày 13/7 đã ra lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu như khí đốt, đồng thời xóa bỏ giới hạn về giá dịch vụ đối với các hộ gia đình sử dụng nhiều hơn vốn được áp dụng trong nhiều năm qua.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Gazprom. Ảnh: EPA/TTXVN
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp chính phủ, Chánh Văn phòng thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas tuyên bố “đã đến lúc Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng”. Theo ông, Hungary có kế hoạch thúc đẩy sản lượng khí đốt nội địa từ mức 1,5 tỷ mét khối hiện nay lên mức 2 tỷ mét khối.
Các biện pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8 tới nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt của Hungary trong mùa Đông. Quan chức Hungary cho biết nguồn cung cấp khí đốt không bị gián đoạn và bất kỳ hạn chế nào trong tương lai cũng sẽ ảnh hưởng tới các hộ gia đình và là biện pháp cuối cùng.
Nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã bị siết chặt trong khi giá nhiên liệu tăng mạnh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine vào tháng 2. Các biện pháp trừng phạt sau đó đã khiến hàng loạt nước tranh giành nhau nhằm bơm đầy kho dự trữ và đa dạng hóa các kênh cung ứng.
Theo thỏa thuận kéo dài 15 năm với tập đoàn Gazprom của Nga được ký hồi năm ngoái, Hungary nhận được 3,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm qua Bulgaria, Serbia và một phần qua tuyến đường ống từ Áo. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trước đó cho biết nước này đang đàm phán mua thêm khí đốt trước mùa Đông, trong đó ưu tiên hợp đồng dài hạn hiện có với Nga, vốn đáp ứng 85% nhu cầu khí đốt của Hungary.
Cũng theo ông Szijjarto, các cơ sở lưu trữ có công suất 6,33 tỷ mét khối, đã được bơm đầy 44%, tương đương 1/4 lượng tiêu thụ hàng năm của nước này.