Tôi nghĩ các bạn trẻ đi xem phim xong dễ ngộ nhận, có cái nhìn sai lệch về các nhân vật ngoài đời thực.
Trước những phản ứng không hài lòng của ca sĩ Khánh Ly khi "Em và Trịnh" xây dựng hình ảnh bà sai lệch trên phim, mới đây, đại diện nhà sản xuất đã lên tiếng khẳng định không bôi xấu nhân vật. Cụ thể, đại diện Galaxy EE cho rằng, những cảnh Khánh Ly đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn, ôm vai nhạc sĩ tình tứ (bất chấp việc nữ ca sĩ phản đối vì cả đời kính nể ông như cha, không thể có những hành động ngang vai phải lứa) được sáng tạo, nhằm phục vụ ý đồ muốn làm nổi bật cá tính mạnh mẽ của nhân vật.
Với các tình tiết hư cấu về cuộc sống Trịnh Công Sơn, đại diện "Em và Trịnh" cũng cho biết tác phẩm là phim lãng mạn, không phải phim tài liệu, "lấy cảm hứng từ nhân vật có thật". Trước ồn ào với Khánh Ly, tác phẩm cũng gây tranh cãi về hình tượng Trịnh Công Sơn, khi nhiều khán giả cho rằng phim phác thảo chân dung nhạc sĩ không như họ biết qua tư liệu, sách báo. Câu chuyện Trịnh Công Sơn bên các "nàng thơ" cũng bị cho là khắc họa không đúng đời thực, biến nhạc sĩ thành người hời hợt khi yêu.
Với tư cách là một khán giả, bản thân tôi cho rằng, nếu nhà làm phim đã nói là tác phầm "lấy cảm hứng từ nhân vật có thật" và xác định là sẽ làm khác nhiều so với nguyên bản, thì lẽ ra cũng đừng dùng tên người thật để quảng bá cho phim. Việc sử dụng nhiều diễn viên trẻ, khán giả trẻ cũng đi xem phim rất nhiều, mà người trẻ, không phải trong cuộc lại vốn chưa biết nhiều về các nhân vật có thật như Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, như các thế hệ đi trước.
Việc xây dựng hình tượng Trịnh Công Sơn hay Khánh Ly không đúng với hình tượng ngoài đời (dù là với ý sáng tạo nghệ thuật) cũng sẽ khiến các bạn trẻ đi xem phim xong dễ ngộ nhận, có cái nhìn sai lệch về các nhân vật ngoài đời thực. Ví dụ như người ta sẽ nghĩ Khánh Ly cũng là một trong số các người tình của Trịnh Công Sơn. Trong khi ngoài đời thật, nữ ca sĩ luôn coi nhạc sĩ như bậc cha chú và lúc gặp ông, cô cũng đã có chồng con. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực đến hình ảnh của người nghệ sĩ trong mắt công chúng.
Ở đây, nếu nhà làm phim xác định cách điệu hình tượng các nhân vật thì cũng nên đổi tên, để khán giả tự suy đoán, thay vì lấy nguyên tên thật của những nhân vật. Làm vậy vừa tránh được hiểu lầm không đáng có, mà bản thân những nguyên mẫu ngoài đời cũng không phản ứng dữ dội như vậy.
Không riêng Khánh Ly, nhiều nhân vật có liên quan cũng đã lên tiếng phản ứng, cho rằng đoàn phim tự ý xây dựng hình ảnh của họ không đúng thực tế. Điều đó rõ ràng là một sự thiếu tôn trọng với các nguyên mẫu nhân vật, nhất là khi họ vẫn còn sống và hoạt động nghệ thuật.
Nhìn sang điện ảnh nước ngoài, chúng ta có thể tự hỏi: vì sao họ cũng làm phim về Stephen Hawking, Elvis Presley... nhưng lại được chính người thân, người thật, người nhà của các huyền thoại này khen ngợi? Còn phim Việt đã làm thế nào để rồi lại không được chính người trong cuộc đồng tình? Một phép so sánh đơn giản như vậy cũng đủ chúng ta sẽ thấy ngay những hạn chế, dễ dãi trong cách làm phim của người Việt.
Sáng tạo là điều nên làm, nhưng sáng tạo thế nào để vừa đạt được hiệu ứng nghệ thuật lại không gây phản cảm lại là một điều không hề đơn giản. Đó là sẽ bài toán đặt ra cho những nhà làm phim Việt trong tương lai để hy vọng cho ra đời được những tác phẩm có tâm và có tầm, đáp lại sự kỳ vọng của công chúng.
|