Nửa đêm thấy con trai kêu đau, chị Hương kiểm tra thì thấy tay cậu bé sưng tấy, phồng rộp như bị con gì đốt.
Bật điện tìm xung quanh, người mẹ 38 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thấy một loài vật giống như bọ xít dưới nền nhà. Chị Hương tra tìm trên mạng mới biết đó là bọ xít hút máu nên cho con nhập viện theo dõi.
Hè năm ngoái, chị Thu Mai sống tại một chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từng bị bọ xít hút máu người đốt. "Vết sưng to như quả ổi, lại ngứa như có hàng trăm con côn trùng khác châm chích vào", người phụ nữ 30 tuổi nói. Tháng 5 vừa rồi, chị lại thấy loài côn trùng bị coi là "nụ hôn của thần chết" này xuất hiện trong nhà.
"Gia đình tôi lo lắng không biết có ổ bọ xít hút máu nào đang làm tổ trong nhà không nữa. Làm sao để tìm và bắt được chúng?", Mai nói.
Theo tiến sỹ Trương Xuân Lam, ở ngoài tự nhiên khi tấn công vật chủ, thì giai đoạn hút máu của bọ xít chỉ xảy ra khi vật chủ nằm yên, không hoạt động hoặc vật chủ ở trạng thái ngủ say. Ảnh: Trung Kiên
Theo GS. TS. Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ năm 1979 đã ghi nhận sự có mặt của bọ xít hút máu tại Việt Nam.
Thời gian hoạt động mạnh nhất của loài này từ tháng 6 đến tháng 8. Vật chủ là động vật có xương sống như chuột, gà, bò, chó, mèo, chim và cả con người. Ổ bọ xít hút máu được hình thành ở nơi chứa nhiều gỗ (thanh dài, rộng bản), vật liệu làm nhà...
Theo chuyên gia, bọ xít hút máu hay tấn công nhất là tay, chân, vai, gáy và lưng của vật chủ. Các vết đốt thông thường có màu đỏ, to hơn vết do muỗi đốt hoặc màu sẫm tối nối liền nhau trong vùng bị đốt. Tùy từng cơ địa của mỗi người, chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng người mẫn cảm với côn trùng thì vết đốt có thể sưng tấy to, bị phù, gây sốt.
"Điều đáng chú ý là hiện tượng ngứa ở các vết đốt có đường kính rộng 5-10 mm là nguyên nhân chính gây ra sưng tấy, phù nề diện rộng, mưng mủ và gây sốt. Cũng có một số trường hợp bị trụy tim mạch nhưng hiếm gặp", ông Lam nói.
Theo ông Lam, để phòng tránh bọ xít hút máu người tại nhà cần chú ý những việc sau:
Vệ sinh và kiểm tra nơi ngủ thường xuyên. Nhà cửa nên kê ít đồ đạc, thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ. Dù mùa đông hay hè cũng nên phơi đệm, dọn quét khe giường thường xuyên tránh ẩm. Nếu phát hiện ra bọ xít hút máu ở trong nhà thì phải kiểm tra toàn bộ nhà.
Vào mùa sinh sản hoặc khi cần thức ăn, bọ xít hút máu đi theo ánh đèn, xâm nhập vào nhà. Phải dọn dẹp, kiểm tra, di dời hoặc tiêu hủy các không gian chứa gỗ mục, vật liệu làm nhà, đặc biệt nếu những không gian này là nơi chuột sinh sống.
Khi phát hiện trong nhà có một hoặc vài cá thể bọ xít hút máu nên tìm cách tiêu diệt bằng biện pháp thủ công. Ban đêm, sử dụng đèn pin nhỏ, có ánh sáng cao, soi các khe kẽ ở thang giường, giát giường, mặt sau của đệm, các khe hở của đồ đạc gần giường tìm bắt bọ xít trưởng thành, con non và trứng. Sử dụng găng tay nilon (hoặc cao su) và kẹp, nhíp... để bắt, không được sử dụng tay trần. Gia chủ nên sử dụng chổi quét sơn hoặc chổi cước để thu bắt con non hoặc trứng.
Không nên sử dụng các loại thuốc phun trong nhà hoặc phun tại giường ngủ để diệt bọ xít hút máu. Các kết quả nghiên cứu cho thấy tập tính của loài vật này sống sâu trong các khe kẽ. Bởi vậy, phun thuốc ở bề mặt đồ đạc trong nhà rất khó diệt được bọ xít hút máu. Các biện pháp phun tập trung với liều lượng và nồng độ cao có thể diệt được con non và trưởng thành nhưng sẽ làm ô nhiễm nặng toàn bộ không gian sống, nhất là giường ngủ-nơi cơ thể con người tiếp xúc trực tiếp.
Nếu phát hiện ổ bọ xít hút máu, người dân nên sử dụng các biện pháp thủ công để tiêu hủy (tốt nhất là dùng lửa), không nên tự ý sử dụng hóa chất, tránh gây ô nhiễm cho môi trường. Nếu phát hiện ổ bọ xít hút máu (nhiều hơn 30 cá thể) nên thông báo cho cơ quan chức năng hoặc trạm vệ sinh phòng dịch gần nhất để có biện pháp xử lý.