Uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, chườm đá và tắm bồn nước ấm giúp bé hạ sốt an toàn.
Sốt là tình trạng sức khỏe hầu như ai cũng từng trải qua trong đời. Sốt là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể, thường do bệnh tật. Người bị sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể có gì đó không bình thường. Sốt có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng gây hại, bao gồm cảm lạnh và cúm. Nó cũng có thể là kết quả của các bệnh viêm nhiễm, ung thư hoặc phản ứng với một số loại thuốc hoặc vaccine.
Người bị sốt thường mệt, khó chịu, nhất là khi sốt cao. Trẻ em nếu bị sốt nguy hiểm hơn người lớn vì trẻ chưa biết diễn đạt mức độ mệt mỏi của cơ thể. Do vậy, khi trẻ sốt cha mẹ cần phải theo dõi liên tục và biết cách đối phó với cơn sốt để giúp trẻ giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.
Thông thường trẻ sốt từ 37,5 độ đến 38 độ bác sĩ sẽ khuyên phụ huynh theo dõi con tại nhà, áp dụng các biện pháp hạ sốt an toàn mà chưa cần dùng đến thuốc. Khi sốt trên 38,5 độ trẻ được khuyên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định.
Sốt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Freepik
Theo Very Well Health, có 4 cách hạ sốt thường được áp dụng cho trẻ, bao gồm:
Thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt có nhiều loại, có tác dụng hạ sốt nhanh chóng và giúp trẻ dễ chịu hơn trong 4-8 giờ. Đa số thuốc hạ sốt nên được dùng theo chỉ định của nhân viên y tế. Một số loại thuốc hạ sốt phổ biến có thể mua được mà không cần nhân viên y tế kê đơn. Tuy nhiên tùy vào cân nặng, thể trạng của từng trẻ mà liều lượng thuốc hạ sốt sẽ khác nhau.
Với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt, cha mẹ nên liên hệ bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng thuốc hạ sốt. Đối với trường hợp trẻ sốt cao liên tục không hạ, dùng thuốc không có hiệu quả phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt để tránh trẻ co giật hay gặp phải các biến chứng không mong muốn.
Bù nước
Khi trẻ bị sốt, nếu nhiệt độ chưa cao ở mức 38,5 độ, phụ huynh chưa vội cho con uống thuốc mà nên hạ sốt cho con bằng cách cho con uống nhiều nước. Uống nhiều nước là cần thiết để tránh mất nước khi bị sốt. Sốt càng cao thì nguy cơ mất nước càng cao. Trong một số trường hợp sốt kèm với nôn mửa và chán ăn cũng khiến nguy cơ mất nước ở trẻ tăng cao. Nếu trẻ mất nước nhiều có thể dẫn đến kiệt sức vì nóng, co giật, thậm chí là tụt huyết áp gây tử vong. Phụ huynh ngoài việc cho con uống nước lọc bình thường, có thể bổ sung thêm một số loại nước bù khoáng, bù ion giúp trẻ hạ sốt.
Tắm trong bồn nước ấm
Tắm nước ấm có thể giúp trẻ hạ sốt, thư giãn để có thể ngủ ngon hơn. Phụ huynh nên cho trẻ tắm trong nước ấm cho đến khi nước nguội về nhiệt độ thường. Nhiều người nghĩ rằng khi trẻ đang nóng nên ngâm mình vào nước lạnh để dung hòa nhiệt độ, tuy nhiên đây là cách làm sai vì nó không những không làm giảm nhiệt độ cơ thể mà còn khiến trẻ rùng mình, thậm chí sốc nhiệt độ.
Túi chườm mát dưới cánh tay
Chườm khăn lạnh hoặc túi chườm lạnh lên trán là cách phổ biến nhiều phụ huynh dùng để hạ sốt cho con. Nhưng nếu trẻ sốt quá cao, cha mẹ có thể là đặt túi chườm lạnh dưới nách hoặc ở vùng bẹn, nơi có các mạch máu lớn. Phụ huỵnh lưu ý nên bọc túi chườm lạnh trong một miếng vải để tránh bỏng lạnh do đá tiếp xúc trực tiếp với da bé. Không để túi chườm quá lâu và quá 10 phút, di chuyển túi liên tục để tránh trẻ bị tê cóng.