Ngày càng nhiều người lớn tuổi tại Mỹ coi chi phí chăm sóc sức khỏe là gánh nặng tài chính. Kết quả một cuộc khảo sát mới của West Health-Gallup được công bố ngày 15/6 ch thấy ít nhất 2/3 người lớn tuổi ở Mỹ coi chi phí chăm sóc sức khỏe là gánh nặng tài chính.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả cuộc khảo sát trên cho biết, khoảng 24% người Mỹ từ 50- 64 tuổi coi chi phí chăm sóc sức khỏe là một gánh nặng tài chính lớn, so với 48% số người được hỏi cho rằng chi phí này là một gánh nặng nhỏ. Trong số những người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, 15% số người được hỏi coi chi phí chăm sóc sức khỏe là gánh nặng lớn và 51% coi là gánh nặng nhỏ.
Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, dân số từ 65 tuổi trở lên tại Mỹ được dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới, khi có thêm khoảng 10.000 người mỗi ngày bước qua ngưỡng tuổi trên và dự báo đến năm 2030, nước Mỹ sẽ có khoảng 77 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Việc có thêm nhiều người Mỹ bước vào độ tuổi trên 65 cũng khiến chi phí chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tăng lên.
Theo báo cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (DHHS), chi phí tự chi trả trung bình về chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ lớn tuổi là 6.883 USD vào năm 2019, tăng 41% so với năm 2009. Mặc dù hầu hết người Mỹ lớn tuổi được hưởng lợi ích từ chương trình Medicare những họ vẫn phải trả trung bình hơn 1.000 USD so với trung bình các nhóm dân số nói chung vì Medicare không đài thọ tất cả các chi phí, chẳng hạn như các dịch vụ nha khoa, thị lực và thính giác.
Việc gia tăng do số lượng người cao tuổi cũng đẩy chi phí chăm sóc sức khỏe lên cao. Cuộc khảo sát của West Health-Gallup cho thấy 37% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên cực kỳ lo lắng hoặc lo ngại rằng họ sẽ không thể chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết trong năm tới. Trong số những người từ 50-64 tuổi, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn với 45% cực kỳ lo lắng hoặc lo lắng về việc không thể trả chi phí chăm sóc sức khỏe.
Chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực để mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế và giảm chi phí kể từ khi ông lên nhậm chức vào năm ngoái. Đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ (ARP) được thông qua vào năm 2021 đã giảm 40% phí bảo hiểm và cắt giảm chi phí tự chi trả thông qua các khoản tín dụng thuế. Tổng thống Biden cũng đã ký một sắc lệnh vào tháng 4/2022 nhằm mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm Obamacare. Tổng thống Biden cũng đang thúc đẩy để thông qua đạo luật "Build Back Better" vốn đang bị đình trệ, nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm của Medicare, giảm chi phí thuốc theo toa và gia hạn các khoản tín dụng thuế có trong ARP.
Trong khi đó, cuộc khảo sát của West Health-Gallup cũng cho thấy, khoảng 1/3 số người Mỹ từ 50-64 tuổi đang cắt giảm ít nhất một khoản chi phí cần thiết, chẳng hạn như thực phẩm, quần áo và điện nước, để trang trải chi phí chăm sóc sức khỏe đang gia tăng. Khoảng 24% người lớn từ 65 tuổi trở lên cũng rơi vào tình trạng tương tự.
VietBF@ sưu tập
|