Nhiều người tự pha muối với nước tại nhà, pha thật mặn, súc miệng chứ không súc họng… làm giảm tác dụng phòng bệnh, có thể khiến họng khô, rát.
Súc họng là phương pháp phòng nhiều bệnh răng miệng, tai mũi họng rất dễ thực hiện tại nhà. Theo ThS.BS Diệp Phúc Anh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trước khi virus, vi khuẩn xâm nhập xuống phổi và gây ra các biến chứng nguy hiểm thì chúng phải đi qua mũi, miệng và sinh sôi ở vùng hầu họng. Súc họng có thể góp phần cải thiện tình trạng viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp do virus như cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang.
Tuy nhiên để dung dịch súc họng phát huy tác dụng, bác sĩ Phúc Anh khuyến cáo mọi người cần phải thực hiện đúng cách. Những sai lầm mà nhiều người thường mắc như pha nước muối không đúng nồng độ, lạm dụng súc họng nhiều lần hoặc chỉ vệ sinh miệng chứ chưa vệ sinh họng khiến bệnh không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn.
Tự pha nước muối để súc họng
Một số người có thói quen tự pha nước muối tại nhà để súc họng. Muối được dùng thường là muối ăn pha với nước lọc và khi cảm thấy độ mặn vừa phải là được. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc Anh, việc tự pha nước muối tại nhà sẽ rất khó đạt được nồng độ muối và nước phù hợp. Mọi người có thể mua các dung dịch nước muối sinh lý 0,9% (tức là trong 100 ml dung dịch có 0,9 gram muối) đã pha sẵn, có bán ở nhà thuốc để tiện dụng và tránh ảnh hưởng đến vùng họng.
Tự pha nước muối tại nhà khó đạt được nồng độ phù hợp. Ảnh: Shutterstock
Súc họng với nước muối thật mặn
Quan niệm pha nước muối càng mặn thì càng giúp sát khuẩn hoặc ngậm trực tiếp muối trong họng để tiêu diệt vi trùng là chưa đúng. Bác sĩ Phúc Anh giải thích, nước muối pha không đúng nồng độ sẽ không phát huy tác dụng hoặc gây bất lợi cho niêm mạc họng. Chẳng hạn, nước muối quá nhạt sẽ không thể sát khuẩn, trong khi nước muối quá mặn lại làm khô rát họng, thậm chí có thể gây trầy xước, tổn thương cơ quan này.
Súc miệng chứ không súc họng
Để đạt hiệu quả khi súc họng, mọi người nên súc họng chứ không phải chỉ súc miệng. Để súc họng, bạn nên ngậm một ít nước muối (chỉ khoảng 5 ml), sau đó ngửa cổ lên và cố gắng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng. Bạn khò trong khoảng 30 giây, sau đó nhổ ra ngoài; lặp lại động tác này khoảng 3-4 lần. Với cách này, bạn có thể rửa sạch vùng họng, loại bỏ phần nào tác nhân gây hại, phòng ngừa bệnh.
Không súc miệng lại bằng nước lọc sau khi súc nước muối
Một số người cho rằng sau khi súc họng bằng nước muối thì không súc lại bằng nước lọc mới hiệu quả. Bác sĩ Phúc Anh khuyên mọi người nên súc miệng lại bằng nước lọc sau khi súc nước muối để rửa sạch lượng muối trong họng, giúp các mảng bám bong ra lúc súc họng được thải ra ngoài. Người lớn, trẻ em cũng nên lưu ý không nên súc họng xong mới súc miệng, bởi những vi khuẩn bám ở răng chưa được làm sạch sẽ dễ xuống vùng họng. Đánh răng là việc cần thực hiện trước tiên, tiếp theo là súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng diệt khuẩn, sau đó là súc họng lại bằng nước lọc.
Không súc họng thường xuyên
Để mang lại lợi ích phòng bệnh, người lớn, trẻ nhỏ nên súc họng ít nhất 2-3 lần bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Khi nghi ngờ tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh lây lan qua đường hô hấp, ngoài việc rửa tay bằng xà phòng, bạn cũng nên súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng diệt khuẩn.
Việc súc họng quá thường xuyên hơn 5 lần một ngày hoặc cả tuần mới súc một lần cũng đều không tốt. Thời gian súc họng khoảng 30-60 giây, tuy nhiên, tùy thuộc vào dung dịch súc họng mà người lớn, trẻ em nên thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Lượng dung dịch súc họng dùng cho mỗi lần cũng nên theo hướng dẫn, nhất là với các loại thuốc súc họng, tránh dùng quá nhiều.
Lạm dụng thuốc súc họng
Lạm dụng thuốc súc họng cùng là việc cần tránh. Bác sĩ Phúc Anh cho biết, trong bối cảnh Covid-19, do lo sợ nhiễm bệnh mà có một số người sử dụng thường xuyên các loại thuốc súc họng như Nano bạc (SMC Ag+), Povidon-Iod (Betadine xanh), Chlorhexidine (Medoral, Kin) hoặc những chất kháng khuẩn súc họng khác. Tần suất súc họng chỉ nên khoảng 2-3 lần mỗi ngày, nếu lạm dụng dễ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn tại họng và có thể gây ra một số tác dụng phụ. Mọi người có thể sử dụng nước muối sinh lý trong thời gian dài nhưng với các loại thuốc súc họng chỉ nên dùng trong khoảng 10 ngày.
"Súc họng là một trong những biện pháp được khuyến cáo trong giai đoạn Covid-19 và cả vào thời điểm bệnh đường hô hấp, tai mũi họng gia tăng hiện nay. Mọi người nên được duy trì thường xuyên và thực hiện đúng cách để phòng bệnh hiệu quả", bác sĩ Phúc Anh nói.