Phụ nữ uống một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm tăng hơn 20% nguy cơ mắc bệnh tim.
Kiểm soát lượng đường trong máu là một trong những biện pháp tốt nhất giúp chăm sóc sức khỏe tim mạch phụ nữ, cùng với việc duy trì huyết áp, mức cholesterol.
Ở nhiều bệnh nhân tiểu đường không triệu chứng, bệnh tiểu đường không được kiểm soát gây hại cho mạch máu, dẫn đến xơ cứng động mạch, tiền thân của bệnh tim. Nhiều người thậm chí có thể không nhận ra họ bị tiểu đường cho đến khi bệnh tiến triển đến mức lên cơn đau tim. Đó là lý do tại sao phải theo dõi chỉ số đường huyết, trọng lượng tổng thể và lượng mỡ trong cơ thể.
Giảm cân là cách tốt để kiểm soát lượng đường trong máu cao. Thức ăn chuyển hóa thành năng lượng, do đó nếu lượng calo tiêu thụ không được đốt cháy hết, chất béo sẽ tích tụ trên cơ thể, đặc biệt ở vùng bụng, có thể gây ra bệnh tiểu đường. Hai cách hiệu quả giúp giảm thêm cân, ngăn ngừa bệnh tiểu đường gồm: hạn chế lượng carbohydrate, đường nạp vào cơ thể; tập các bài tập cường độ cao cho tim.
Nước ngọt làm tăng nồng độ glucose và insulin trong máu, có thể gia tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến béo phì. Ảnh: Freepik
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, hãy gặp bác sĩ để đưa ra một kế hoạch phù hợp nhất với nhu cầu cơ thể. Đồng thời, đảm bảo theo dõi mức đường huyết theo khuyến cáo. Điều trị có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 (hoặc khởi phát ở người lớn), nếu người bệnh kết hợp với giảm cân và thay đổi lối sống.
Bất kỳ ai mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 đều phải đối mặt với nguy cơ cao bị đau tim và các vấn đề tim mạch khác. Nghiên cứu gần đây của Johns Hopkins cho thấy, phụ nữ dưới 60 tuổi - nhóm thường được coi là có khả năng gặp các vấn đề về tim thấp hơn có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 4 lần khi họ bị tiểu đường loại 2.
Vì vậy, những phụ nữ có lượng đường huyết cao nên coi trọng tình trạng sức khỏe. Các chuyên gia cho biết người trẻ mắc bệnh tiểu đường không được kiểm soát dễ bị đau tim hoặc đột quỵ.
Thừa đường trong máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ
Phụ nữ uống một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm tăng hơn 20% nguy cơ mắc bệnh tim. Đây là một trong những kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) năm 2020. Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ hơn 106.000 phụ nữ với độ tuổi trung bình 52, không mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc tiểu đường.
Những phát hiện cho thấy phụ nữ có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống chứa đường cao nhất thường trẻ hơn; nhiều khả năng là những người hút thuốc; được chẩn đoán mắc bệnh béo phì; có chế độ ăn ít chất đạm, chất béo, trái cây, rau củ.
Báo cáo về việc tiêu thụ đồ uống, hồ sơ bệnh nhân nội trú giữa các tiểu bang được phân tích để xem phụ nữ nào có nhiều khả năng bị đau tim, đột quỵ hoặc phẫu thuật để mở các động mạch bị tắc.
Các nhà nghiên cứu cho biết những phụ nữ uống một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 21% so với người hiếm khi hoặc không bao giờ uống nước ngọt.
Mặt khác, loại đồ uống cũng quan trọng. Các nghiên cứu chứng minh uống một hoặc nhiều nước trái cây thêm đường hàng ngày có liên quan đến khả năng mắc bệnh tim mạch cao hơn 42%. Trong khi đó, uống nước ngọt có gas hàng ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 23% so với nhóm đối chứng.
Tiến sĩ Cheryl A.M. Anderson, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là chủ tịch Ủy ban Dinh dưỡng của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết, đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim theo một số cách. Đường làm tăng nồng độ glucose và insulin trong máu, có thể gia tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến béo phì. Đây là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim.
Theo Kristin Kirkpatrick, chuyên gia dinh dưỡng và tác giả của cuốn sách Skinny Liver, bệnh tim ở phụ nữ thường có thể không được phát hiện cho đến khi quá muộn. "Nữ giới luôn nằm trong nhóm dân số có nguy cơ chết vì đau tim, đột quỵ cao hơn nam giới và họ cũng có các triệu chứng ít rõ ràng hơn", Kirkpatrick cho biết.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo phụ nữ không nên dùng quá 6 muỗng cà phê đường (25 gram) mỗi ngày. Trong khi đó, một chai nước ngọt 340 ml chứa 130 calo và 8 muỗng cà phê đường (34 gram), vượt quá giới hạn.
Do đó, bạn nên lưu ý các nguồn bổ sung đường trong chế độ ăn uống. Chẳng hạn, đường từ nước ngọt chỉ đi kèm với calo, còn đường từ trái cây nguyên quả đi kèm với chất dinh dưỡng. Tiêu thụ các loại hạt, đậu, cá, trái cây và rau có thể giúp giảm viêm, kiểm soát lượng đường trong máu.