Các chuyên gia về dân số và những vấn đề xã hội nhận định như trên khi phân tích lý do giúp tuổi thọ người Việt tăng cao. n30 năm qua, từ 1989 đến 2019, tuổi thọ trung bình người Việt tăng thêm 8,4 năm, từ 65,2 lên 73,6. Điều này cho thấy người Việt có xu hướng sống lâu hơn.
Các chuyên gia Tổng Cục Dân số, Bộ Y tế, cho rằng tuổi thọ ngày càng tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng, cho thấy chất lượng sống của con người tốt hơn.
Như anh Trọng Tuyên, một người dân bình thường ở quận 3, TP HCM, chia sẻ: "Cuộc sống ngày càng đi lên, gia đình tôi giờ cũng không thiếu thốn gì cả nên chỉ mong mọi người đều khỏe mạnh, sống lâu".
Anh Tuyên làm nghề kinh doanh nhỏ, gia đình gồm vợ chồng, hai con học cấp 2, sống cùng mẹ anh ngoài 70 tuổi, bố anh mất sớm. Nhiều năm qua, vợ chồng anh Tuyên mỗi sáng đều chạy bộ, buổi chiều cùng nhau tập gym và yoga. Ở ngưỡng gần 50 tuổi, khi cảm nhận sức khỏe đi xuống từng ngày, vợ chồng anh ngày càng ý thức hơn về việc cần phải rèn luyện thể chất. Công việc kinh doanh với thu nhập khá giúp gia đình không lo toan tài chính nhiều và có thời gian chăm sóc bản thân. Mỗi năm, hai vợ chồng khám sức khỏe định kỳ một lần, với lý do "không muốn khi tuổi già trở thành gánh nặng cho con cháu".
Hai con của anh Tuyên chơi các môn thể dục thể thao như bơi lội, đá bóng, đạp xe đạp, cầu lông... để rèn luyện. Các cháu được bố mẹ nhắc nhở hạn chế ăn đồ ăn nhanh, thay vào đó mỗi bữa ăn đều được cân đo chế độ dinh dưỡng riêng. Mẹ anh cũng luôn biết cách sống hưởng thụ tuổi già, đến nay vẫn khỏe mạnh minh mẫn. Hàng ngày, bà tham gia các lớp dưỡng sinh, gặp gỡ, giao lưu bạn bè, tập thể dục, ăn uống thực phẩm lành mạnh.
Có thực tế là tuổi thọ người Việt tăng chủ yếu ở các khu vực phát triển kinh tế xã hội, trong khi nhiều khu vực miền núi tuổi thọ tăng chậm dẫn đến chênh lệch giữa các vùng miền khá rộng. Theo báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) do Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 3, trong sáu vùng trên cả nước, tuổi thọ trung bình của người dân vùng Đông Nam Bộ cao nhất và Tây Nguyên có mức thấp nhất. Năm địa phương có tuổi thọ trung bình người dân cao nhất cả nước giai đoạn 2016-2020 là TP HCM, Đồng Nai (76,5 tuổi), kế đó là Bà Rịa - Vũng Tàu 76,4, Đà Nẵng 76,3, Tiền Giang 76,1. Xếp sau là TP Cần Thơ 76; Bến Tre, Long An, Vĩnh Long cùng 75,6; Hậu Giang và Hà Nội cùng 75,5 tuổi.
Trong khi đó các tỉnh có tuổi thọ trung bình của người dân ở mức thấp là Lai Châu 65,8; Kon Tum 66,8; Hà Giang, Điện Biên 67,8 và Quảng Trị 68,2. Như vậy, tuổi thọ trung bình ở vùng cao nhất so với vùng thấp nhất cách biệt đến hơn 10 năm.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân, nhận định sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch tuổi thọ giữa các vùng hiện nay. Trong đó, kinh tế, xã hội tại TP HCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung phát triển mạnh, người dân được cung cấp dinh dưỡng, chăm sóc y tế tốt hơn, từ đó sống lâu hơn.
Sự khác biệt này trước hết ảnh hưởng từ đến mức tử vong của trẻ em, theo giáo sư Cử. Chẳng hạn, năm 2019, tỷ suất chết của trẻ dưới một tuổi ở Lai Châu là 39,6%, cao gấp hơn 5,4 lần TP HCM (7,3%), còn tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi tại Lai Châu cao hơn TP HCM tới hơn 5,6 lần. Mức chết của trẻ em cao sẽ kéo mạnh tuổi thọ trung bình giảm xuống.
Đời sống phát triển, người dân tiếp cận y tế dễ dàng; thức ăn hay đồ uống đảm bảo chất lượng, môi trường vệ sinh hơn. Khi trình độ học vấn cao, người dân cũng quan tâm hơn về sức khỏe, chủ động tìm kiếm các biện pháp rèn luyện như chạy bộ, tập gym, yoga, dưỡng sinh... Do vậy, sức khỏe tốt hơn, kéo dài tuổi thọ.
Thực tế, một số vùng phát triển như TP HCM, Hà Nội hay các tỉnh Đông Nam Bộ, điều kiện kinh tế tốt hơn vùng Tây Nguyên hoặc Trung du miền núi phía Bắc. Phó giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia về vấn đề già hóa dân số, cho rằng sự phát triển của y tế, môi trường sống lành mạnh, trong lành, thực phẩm chất lượng... đã khiến tỷ lệ tử vong giảm và tuổi thọ tăng.
"Ví dụ ở TP HCM hay Hà Nội, nếu có vấn đề về sức khỏe, bạn có thể tiếp cận thuận lợi với y tế, hoặc chủ động khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra các vấn đề sức khỏe. Còn ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, Tây Nguyên... người dân khi có bệnh muốn đến trạm y tế xã còn khó chứ chưa nói là đến bệnh viện tuyến huyện hay tỉnh", ông Long nói.
Ngoài ra, các dịch vụ tiện ích tại những vùng phát triển tạo điều kiện cho con người có nhiều cơ hội làm điều mình thích. Họ dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời, giao thiệp với bạn bè, ngủ đủ giấc, ăn uống nhẹ nhàng và lành mạnh, sống lạc quan... từ đó, sức khỏe cải thiện.