Trong vài năm tới, nước nào sẽ cán đích?
Nhà khoa học hàng đầu trong chương trình mặt trăng của Trung Quốc đã tiết lộ rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu công cuộc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng từ năm 2024, SCMP thông tin.
Theo Wu Weiren, tổng công trình sư của chương trình Chang'e (Hằng Nga - chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc), cho biết bên lề cuộc họp thường niên của các nhà lập pháp ở Bắc Kinh ngày 7/3/2022 rằng: Việc xây dựng căn cứ Mặt Trăng sẽ bắt đầu với sứ mệnh Chang'e 6, dự kiến sẽ được khởi động trong thời gian khoảng 2 năm tới, vào năm 2024.
Trong khi cả thế giới đang bàn tán về thành công của Chang'e-5 (lấy mẫu Mặt Trăng về Trái Đất thành công năm 2020), thì chính người Trung Quốc đang chuẩn bị một chuyến thám hiểm mới tới Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, cách Trái Đất 384.000km.
Ban đầu, Chang'e 6 được dự định hạ cánh trên địa hình tương đối bằng phẳng của Mặt Trăng và thử nghiệm công nghệ lấy mẫu rồi trả về bằng robot. Nhưng Wu Weiren cho biết các nhà chức trách vũ trụ hiện muốn Chang'e 6 đi đến cực nam gồ ghề của Mặt Trăng, nơi sẽ xây dựng căn cứ Mặt Trăng, và mang các mẫu trở về Trái Đất để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Theo kế hoạch, tên lửa vũ trụ Trường Chinh 5 sẽ phóng Chang'e-6. Tàu vũ trụ không người lái Chang'e-6 sẽ hạ cánh trên bề mặt vệ tinh Trái Đất, lấy mẫu Mặt Trăng và gửi về nhà.
Nếu xây dựng thành công căn cứ trên Mặt Trăng, Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên trong lịch sử làm được kỳ tích đỉnh cao này.
Trung Quốc đang hợp tác với Nga để cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh Mỹ trong việc thiết lập một tiền đồn lâu dài trên Mặt Trăng - gọi là Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS).
Vào tháng 6/2021, tại St. Petersburg (Nga), Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos công bố kế hoạch chung tay xây dựng một căn cứ Mặt Trăng có người ở vĩnh viễn vào giữa những năm 2030. Cả hai nước khi đó dự kiến ILRS sẽ hoàn thành vào năm 2035.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc tuyên bố rút ngắn mục tiêu hoàn thành Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) từ năm 2035 xuống 2027.
CHI TIẾT SỨ MỆNH CHANG'E 7 & 8
Không giống như cuộc chạy đua không gian thời Chiến tranh Lạnh, mục tiêu lần này là Ở LẠI. Để làm được như vậy, cần có nhiều loại tài nguyên - từ oxy, vật liệu xây dựng đến nước - và có một kế hoạch 3 giai đoạn để khảo sát bề mặt Mặt Trăng để có được bức tranh rõ ràng về những gì sẽ được tìm thấy ở đó.
Hai tàu thăm dò nữa (thuộc Chang'e 7 và Chang'e 8) sẽ theo dõi và thực hiện các thí nghiệm tiếp theo để tìm hiểu thêm về tài nguyên khoáng sản ở cực nam Mặt Trăng và cách chúng có thể được sử dụng.
"Các sứ mệnh này sẽ đặt nền móng cho một trạm nghiên cứu quốc tế ở cực nam Mặt Trăng trước năm 2030" - Wu Weiren nói thêm.
"Mục đích chính của tất cả các công việc ở đây là để khám phá khoa học, phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên của Mặt Trăng… nếu không thì việc đến đó sẽ trở nên vô nghĩa" - Wu Weiren nói, theo một báo cáo của Science and Technology Daily.
Wu Weiren tiết lộ chi tiết rằng, sứ mệnh Chang'e 7 sẽ khảo sát các nguồn lực trên thực địa Mặt Trăng để lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức của Trung Quốc. Mục tiêu chính của nhiệm vụ là xác định vị trí và lấy một số băng. Người này tiết lộ với China News Services rằng, một tàu thăm dò nhỏ sẽ được triển khai để khảo sát đáy của một miệng núi lửa sâu hơn 10km.
Nhiệm vụ Chang'e 8 sẽ thử nghiệm nhiều công nghệ để sử dụng tài nguyên của Mặt Trăng, chẳng hạn như tìm cách tạo ra phản ứng hóa học cho phép sản xuất oxy hoặc làm tan chảy bụi Mặt Trăng trước khi sử dụng bản in 3D để biến nó thành các cấu trúc sẽ chạy bằng năng lượng Mặt Trời.
Người đứng đầu chương trình Chang'e nói rằng Trung Quốc sẽ làm việc với các quốc gia khác để mở rộng hơn nữa căn cứ Mặt Trăng thành một trạm nghiên cứu quốc tế quy mô lớn vào năm 2035.
Một số nhà khoa học tham gia vào dự án cho biết căn cứ ILRS của Trung Quốc sẽ chủ yếu được xây dựng dưới lòng đất và sẽ dựa vào robot để vận hành các cơ sở trên mặt đất.
Nga là đối tác chính cho chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc và đang lên kế hoạch cho nhiều sứ mệnh giúp xây dựng cơ sở này.
Các nhà chức trách vũ trụ Trung Quốc cho biết, một thế hệ tên lửa vũ trụ hạng nặng mới, có khả năng đưa các phi hành gia Trung Quốc lên Mặt Trăng sẽ 'trình làng' trước năm 2030.
CỰC NAM MẶT TRĂNG: NƠI MỸ, TRUNG CÙNG HƯỚNG ĐẾN
Mỹ cũng đang chú ý vào cực nam của Mặt Trăng, với sứ mệnh Artermis nhằm đưa các phi hành gia NASA trở lại bề mặt của Mặt Trăng trong thế kỷ 21 và thiết lập một căn cứ ở đó.
Không giống như các khu vực tương đối bằng phẳng nơi các sứ mệnh của Apollo đã hạ cánh trước đó, cực nam của Mặt Trăng có bề mặt không bằng phẳng, điều này làm hạn chế số lượng các địa điểm có thể hạ cánh, Wu Weiren nói.
Một phần của vùng cực cũng nằm ở phía xa của Mặt Trăng, khiến việc liên lạc trực tiếp với Trái Đất không thể thực hiện được nếu không có vệ tinh tiếp sóng.
Cho đến nay, chỉ có Trung Quốc thực hiện được việc hạ cánh tàu đổ bộ xuống phía xa của cực nam Mặt Trăng, trong sứ mệnh Chang'e 4 năm 2019.
Cực nam của Mặt Trăng có một số miệng núi lửa sâu có thể chứa nguồn nước quý giá dưới dạng băng và nhận được nhiều ánh sáng Mặt Trời trực tiếp hơn các phần khác của Mặt Trăng, cả hai yếu tố này sẽ giúp con người định cư dễ dàng hơn. Nhưng con người vẫn tương đối không chắc chắn về những gì sẽ được tìm thấy ở đó.
Một báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học Hành tinh và Mặt Trăng vào tháng 12/2021 cho biết các sứ mệnh của tàu Apollo đã mang về 382kg đá Mặt Trăng, trong khi Trung Quốc và Liên Xô thu thập các mẫu nhỏ hơn.
Ngoài ra, Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) cũng sẽ hoạt động như một tiền đồn trung chuyển để khám phá không gian sâu hơn nữa, nhà khoa học Trung Quốc cho biết. "Vì lực hấp dẫn trên Mặt Trăng chỉ bằng 1/6 so với Trái Đất, nên các tàu thăm dò dễ cất cánh hơn và tàu vũ trụ cũng có thể giải quyết các vấn đề cung cấp nhiên liệu trên Mặt Trăng."
VietBF @ Sưu tầm