Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Telegram xuất hiện tràn lan tin giả, thậm chí có nội dung trong gane được gắn mác hình ảnh chiến sự Ukraine.
Trong ngày 24 và 25/2, hàng chục video livestream trên Facebook Gaming có chứa các cảnh quay quân sự, được mô tả là "cuộc tấn công trực tiếp của Nga vào Ukraine". Một số được biên tập hoàn chỉnh và dán nhãn "tin nóng" màu đỏ trên màn hình.
Logo Facebook trên smartphone được chụp vào năm 2020. Ảnh: Reuters
Thế nhưng, thực tế các video này chỉ là nội dung được cắt ra từ trò chơi điện tử Arma 3 - một game liên quan đến chủ đề quân sự. Theo ghi nhận của Bloomberg, có khoảng 90 video về Arma 3 xuất hiện trên Facebook Gaming trong hai ngày qua với tiêu đề về chiến sự tại Ukraine. Nhiều video đạt hơn 50.000 lượt xem, thậm chí có lúc lên đến 110.000 lượt xem và 25.000 lượt chia sẻ trước khi bị xoá. Một video khác có thời gian phát trực tiếp hơn 8 tiếng mới bị gỡ bỏ.
Video được theo dõi nhiều nhất được một tài khoản tên Naruto đăng ngày 24/2, ghi lại cảnh một máy bay bắn phá bờ biển trong trò chơi Arma 3 nhưng có nội dung "từ biên giới Ukraine" và có hơn 52.000 người xem cùng lúc. Trong phòng trò chuyện, streamer liên tục yêu cầu người xem đăng ký kênh của mình.
Trong ngày 25/2, Bloomberg ghi nhận năm video được xem nhiều nhất trên Facebook Gaming đều là nội dung cắt ra từ game. Các tiêu đề, trong đó có cả tiếng Ả-rập, được đặt là "Máy bay chiến đấu của Nga trên Ukraine", "Cảnh trực tiếp về vụ Nga ném bom Ukraine"...
Công ty Meta từ lâu phải vật lộn với cuộc chiến tin giả trên Facebook, gần nhất là các thông tin sai lệch hoặc giả mạo về bầu cử tại một số quốc gia và Covid-19. Tuy nhiên, họ đang tiếp tục gặp khó khăn khi kiểm duyệt các nội dung phát trực tiếp, vì AI và đội ngũ của công ty khó phân tích các video này.
Trên Twitter, Nathaniel Gleicher, người đứng đầu chính sách an ninh của Meta, cho biết công ty đã thành lập Trung tâm Hoạt động Đặc biệt để kiểm duyệt các video trong thời gian thực khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Một đại diện khác của Meta sau đó khẳng định loạt video sai sự thật đã bị gỡ bỏ.
Trên các nền tảng khác như Twitter và YouTube, các nội dung sai lệch cũng xuất hiện và được chia sẻ nhiều không kém. Một video trên Twitter mô tả lính nhảy dù Nga đổ bộ gần thành phố Kharkiv của Ukraine đã được xem hơn 300.000 lần. Tuy nhiên, theo kiểm chứng của BBC, nội dung này xuất hiện đầu tiên trên Internet vào 2016.
Một video khác được chia sẻ trên Twitter và YouTube cũng nhận tổng cộng hơn một triệu lượt xem. Theo mô tả, video nói đến một máy bay phản lực của Nga bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine. Dù vậy, BBC cho biết đây là một máy bay của Libya bị phiến quân bắn rơi năm 2011.
Đại diện của Twitter và YouTube chưa đưa ra bình luận.
Các nội dung sai sự thật khác cũng xuất hiện nhiều trên Telegram. Trên nền tảng nhắn tin này phát tán nhiều văn bản giả mạo của chính phủ Ukraine, thậm chí được đăng bởi các bot tự động, theo Bloomberg.
Liubov Tsybulska, người sáng lập Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin Ukraine, cảnh báo rất nhiều nội dung trên Telegram đang gây hoang mang và không đúng sự thật. "Nếu mở các bình luận, bạn sẽ thấy nhiều hình ảnh khủng khiếp như xác chết, tra tấn và một số hành động tàn bạo. Telegram không có cơ chế can thiệp điều này và nó rất nguy hiểm", Tsybulska nói.
Remi Vaughn, người phát ngôn của Telegram thừa nhận các nội dung nhắn tin về Ukraine và Nga tăng mạnh khi chiến sự nổ ra. Người này cũng cho biết công ty đang có đánh giá và các điều chỉnh để đảm bảo Telegram không bị sử dụng như một công cụ quân sự.