Mẫu xe huyền thoại Simson S50 là thành quả từ "nguyên tắc mở" của Karl Clauss Dietel - tác giả của vô số sản phẩm đa dạng khác.
Dietel từng là giáo viên tại một trường kỹ thuật chuyên về mỹ thuật ứng dụng tại Schneeberg. Thậm chí, người ta nói ông đã viết nên lịch sử thiết kế ở Đông Đức.
Thiết kế vật dụng là một chuyện. Phát triển một góc nhìn từ đó làm ra những thứ dưới những điều kiện lịch sử và xã hội đương thời và kết nối với nhau lại là chuyện khác. Dietel làm tốt cả hai việc. Ông thiết kế nhiều sản phẩm thời Đông Đức như mẫu Simson S50, đài RK5, hay máy đánh chữ Erika. Ông cũng là người đưa ra những nguyên tắc mang tính công thức về thiết kế - phù hợp với việc mở rộng tầm nhìn theo quan điểm xã hội về thiết kế ngày nay.
Mẫu Simson S50. Ảnh: Fahrzeugmuseum Suhl
Dietel và đồng nghiệp Lutz Rudolph (đồng tác giả của Simson S50) cũng góp phần tạo ra Wartburg 353 - mẫu xe gia đình cỡ trung được hãng AWE của Đức sản xuất trong 1966-1988.
Triết lý thiết kế của Dietel tập trung vào "nguyên tắc mở". Theo đó, một thiết kế cần ở dạng mở để có thể bảo dưỡng, sửa chữa, và nếu những cải tiến công nghệ khiến nó trở nên cần thiết, sẽ gồm cả việc thay thế từng linh kiện riêng biệt.
Nguyên tắc này được áp dụng ở nhiều sản phẩm khác nhau, điển hình như chiếc S50 của hãng xe máy Simson. Dựa trên thiết kế nền tảng của Dietel và Rudolph từ năm 1967, tổng cộng khoảng 580.700 chiếc được sản xuất trong thời gian 1975-1980. S50 trang bị động cơ hai thì, xi-lanh đơn, dung tích 49,6 phân khối, công suất 2,65 mã lực với tốc độ tối đa 60 km/h.
Karl Clauss Dietel bên mẫu Simson S51. Ảnh: Picture Alliance
Những yếu tố có thể thay thế tự do của thiết kế mô-đun có thể tái sử dụng nhiều lần, dù về mặt kỹ thuật đã được làm mới. Thiết kế này cho phép người sử dụng có thể sửa chữa, phát triển, dựng lại xe khi muốn mà không gặp khó như với kết cấu phổ biến khi đó là gần như một khối thống nhất. Điều này được Dietel thể hiện rõ qua câu nói: "Hãy sửa chữa, đừng bỏ đi!".
Tại Việt Nam, khoảng những năm 1970-1990, xe máy Simson xuất hiện như những xe hơi sang trọng ngày nay. Xe chủ yếu được những người đi học tập và lao động ở nước ngoài mang về. Vì thế, gắn liền với hình ảnh những chiếc xe hai thì khói bụi thì Simson còn thể hiện sự sang trọng, cái "danh" khá quan trọng là học tập làm việc tại nước ngoài.
Một chiếc Simson S51 ở TP HCM được chụp vào năm 2015. Ảnh: Đức Quang
Những mẫu xe hay bị bắt gặp như S51, S70, S83... Người chơi Simson thường tụ họp nhau thành câu lạc bộ để có thể tận tay sờ nắm, trực tiếp sửa chữa những đứa con tinh thần, vì chơi Simson cũng như các xế cổ 2 thì khác đều khá vất vả trước những cơn "trái gió trở trời", và phải có một tình yêu thật sự lớn mới có thể theo đuổi niềm đam mê này.
Vào ngày 2/1 vừa qua, Karl Clauss Dietel đã qua đời tại nhà riêng ở Chemnitz, bang Saxony, Đức, ở tuổi 87.