Chuyên gia Nga Dmitry Trenin cho rằng Moscow đang "chơi dao" và có thể "đứt tay" trong cuộc can thiệp quân sự vào Kazakhstan.
Mới đây, tờ Moscow Times (MT) đã đăng tải bài viết của chuyên gia Dmitry Trenin về cuộc can thiệp vào Kazakhstan của Nga và các đồng minh CSTO. Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khá sắc bén và cân bằng về những gì đang diễn ra - chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Nga đã mất cảnh giác trước chuỗi sự kiện ở Kazakhstan?
Điện Kremlin đã mất cảnh giác trước cuộc khủng hoảng rất bất ngờ ở Kazakhstan. Khởi đầu của nó là một cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu và "làn sóng" này đã lan ra khắp đất nước rộng lớn với tốc độ cực nhanh biến thủ đô cũ Almaty thành điểm nóng bạo lực.
Cần lưu ý rằng chỉ vài tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và người tiền nhiệm có ảnh hưởng lớn Nursultan Nazarbayev tại St.Petersburg. Cả 3 chính trị gia đều không lường trước được tình thế hiện tại.

Hình minh họa.
Các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng và bạo lực trên khắp đất nước rộng lớn, sự yếu kém trong phản ứng của nhà chức trách đã làm dấy lên bóng ma về sự hỗn loạn ở nước có chung 6.846 km biên giới, 1 đồng minh của Nga trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Không những vậy, trong tổng số 19 triệu người dân Kazakhstan - có tới 3,5 triệu là người dân tộc Nga.
Ở Kazakhstan, Nga cũng gặp phải vấn đề tương tự như ở Belarus. Tổng thống Tokayev không hẳn là đồng minh thân thiết của Moscow - tuy nhiên việc ông bị lật đổ sẽ cho phép các thế lực dân tộc cực đoan nổi lên và có thể sau đó là những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Vì vậy, theo Moscow - Tokayev phải được cứu - giống như Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào mùa hè năm 2020.
Nga đang "chơi dao" ở Trung Á
Tuy nhiên không giống như người đồng cấp Belarus Lukashenko, ông Tokayev không phải là người thống trị tuyệt đối ở nước mình.
Vị Tổng thống này không có đủ sức mạnh - còn lực lượng cảnh sát và quân đội Kazakhstan không có động cơ như các đồng nghiệp người Belarus của họ để tự mình đối phó với các cuộc biểu tình.
Với tình hình bất ổn không có dấu hiệu thuyên giảm, Tổng thống Kazakhstan buộc phải kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài và ngày 5/1, ông đã kêu gọi CSTO hỗ trợ chống lại những gì ông mô tả là "mối đe dọa khủng bố" từ các băng nhóm do nước ngoài đào tạo.
Khía cạnh này của yêu cầu can thiệp rất quan trọng. CSTO là một liên minh quân sự mà phản ứng của họ không bao gồm việc giải quyết tình trạng bất ổn trong các nước thành viên.
Nga đã nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi và tổ chức một lực lượng gìn giữ hòa bình dưới danh nghĩa CSTO bao gồm 3.000 lính dù Nga cùng từ 70 đến 500 đồng minh từ Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan
Đây là hành động quân sự chung đầu tiên của CSTO kể từ khi thành lập vào năm 1999.
Tuy nhiên tỏ ra nhạy cảm với tình hình Kazakhstan, Moscow ngay từ đầu đã thận trọng giới hạn nhiệm vụ của lực lượng này trong việc đảm bệ các cơ sở chiến lược và các tài sản quan trọng khác - nhường nhiệm vụ phản biểu tình cho cảnh sát và quân đội Kazakhstan.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga và đồng minh CSTO vào Kazakhstan là một động thái quan trọng cũng như chứa đầy rủi ro.
Nếu nhiệm vụ của các lực lượng Nga được mở rộng - điều đó sẽ dẫn đến thái độ xa lánh hoặc thậm chí là thù địch của người dân Kazakhstan đối với Nga.
Điều này sẽ tác động tới chính nước Nga - nơi các cuộc thăm dò ban đầu cho thấy rằng số người phản đối việc điều quân đến Kazakhstan nhiều gấp đôi vì ủng hộ động thái này.
Mặt khác, nếu Nga thành công trong việc ủng hộ Nur-Sultan, rõ ràng họ sẽ thân Moscow hơn - không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động.
Khi đó Kazakhstan sẽ giống như Belarus và Armenias - tức là có thể trở thành một đồng minh và đối tác đáng tin cậy hơn đối với Nga. Tại thời điểm hiện tại, "kèo" có vẻ nghiêng về kịch bản thứ hai, điều này giải thích cho quyết định của Điện Kremlin trong việc tiếp tục can thiệp.
VietBF @ Sưu tầm